Chuyên gia Giáo dục gỡ rối xét tuyển đại học

22/08/2015 - 09:45
Thẳng thắn đánh giá việc gộp 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ đã giảm bớt tốn kém, áp lực trong khâu thi cử, nhưng nhiều ý kiến đã chỉ ra những hạn chế mà Bộ GD&ĐT cần khắc phục.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Cách xét tuyển đang đi ngược với mục đích hướng nghiệp
 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ
Bất cập đầu tiên phải kể đến, đó là việc Bộ GD&ĐT quy định 4 môn thi (gồm 3 môn bắt buộc và thí sinh tự chọn 1 môn) dẫn đến chuyện học lệch. Các em sẽ chỉ chăm chăm vào những môn để phục vụ cho thi cử. Trong khi đó, các môn còn lại, dù không học các em vẫn phải tới lớp - đây là sự lãng phí lớn. Bất cập là có những kiến thức rất phổ thông các em cũng không hề biết, thế mới có chuyện có học sinh nói Quang Trung - Nguyễn Huệ là… 2 anh em.

Theo tôi, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cần thêm 2 bài thi là Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) để học sinh nắm được những kiến thức sơ đẳng nhất.

Việc tính điểm để xét tốt nghiệp THPT không nên chỉ tính điểm trung bình của năm lớp 12 mà cần tỉnh tổng của cả 3 năm học THPT để giảm bớt những tiêu cực về “chạy” điểm.

Cách xét tuyển ĐH, CĐ năm nay khiến học sinh bị đẩy vào cảnh chọn trường/ngành nào có nhiều cơ hội đỗ được vào ĐH hơn là vào được trường/ngành mà các em thực sự thích và định hướng từ đầu. Điều này cũng đi ngược với mục đích hướng nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH mà ngành giáo dục hướng đến.

Việc xét tuyển nên giao thẳng về cho các trường và nên để học sinh đăng ký nguyện vọng ngay khi còn đang trên ghế trường THPT. Trước kỳ thi, trường ĐH cũng biết được có bao nhiêu thí sinh đăng ký vào để đề xuất Bộ GD&ĐT và công bố số chỉ tiêu, mức điểm chuẩn. Học sinh đủ điểm thì nộp vào trường, không đủ thì sẽ vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn, nhưng cũng đã đăng ký nguyện vọng từ trước. Các trường ĐH sẽ theo số chỉ tiêu mà lấy từ trên xuống. Trường hợp chưa đủ chỉ tiêu thì trường ĐH sẽ xin Bộ xem xét hạ ngưỡng điểm chuẩn đăng ký ban đầu.

Nộp hồ sơ nguyện vọng 1 tại trường ĐH Công nghiệp sáng 20/8. Ảnh: HẢI ANH
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Nên để thí sinh ngồi nhà cũng có thể thay đổi nguyện vọng
PGS Nguyễn Phong Điền
Bất cập của kỳ thi năm nay có thể gói gọn bằng 2 từ “vất vả”. Kỳ thi cần được tổ chức thông minh hơn để giảm khó khăn cho cả thí sinh, phụ huynh và các trường ĐH, CĐ. Khâu xét tuyển cần được cải tiến thêm bằng cách đẩy mạnh công nghệ thông tin, trên nền tảng những gì mà năm nay Bộ GD&ĐT đã triển khai. Bộ đã xây dựng phần mềm toàn quốc, mở cho thí sinh các tài khoản ngay từ khi thi tốt nghiệp THPT để sửa thông tin trước thi và xem điểm, vậy tại sao không dùng ngay tài khoản này cho việc đăng ký xét tuyển?

Ở trường ĐH Bách khoa, sau khi thí sinh đến nộp hồ sơ, chúng tôi mở cho mỗi em 1 tài khoản, các em có thể ngồi nhà, chủ động thay đổi nguyện vọng, không tốn chi phí đi lại.

Ở phạm vi toàn quốc, Bộ GD&ĐT nên xem xét nâng cấp và cho phép thí sinh sử dụng tài khoản để có thể ngồi ở nhà mà vẫn đăng nhập để đăng ký xét tuyển, tiếp đó là thay đổi trường/nguyện vọng. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ khó khăn với một bộ phận thí sinh dân tộc, miền núi không quen, ít tiếp xúc với internet và máy tính. Với những trường hợp này, Bộ có thể “nhờ” các trường THPT hỗ trợ giáo viên giúp các em đăng ký. Cũng có thể quy định 1 trung tâm thông tin sẽ đảm nhận việc hỗ trợ các em đăng ký xét tuyển.

Với kinh nghiệm mà trường ĐH Bách khoa đã triển khai thành công, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể làm được điều này.

Các trường sẽ công bố và cập nhật lên hệ thống danh sách trúng tuyển trước ngày 25/8/2015. Hôm 20/8, là ngày cuối cùng các trường ĐH nhận hồ xét tuyển nguyện vọng 1. Theo kế hoạch, các trường tổng hợp dữ liệu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh và công khai danh sách ĐKXT vào các ngành của trường trước 18h chiều 21/8. Các trường đồng thời cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ ĐKXT khỏi trường; tiếp nhận phản ánh của thí sinh, hoàn thiện dữ liệu ĐKXT.

Từ 18h ngày 22/8, các trường cập nhật lần cuối lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ toàn bộ danh sách thí sinh ĐKXT vào trường. Mục đích của cách làm này là nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch về thông tin ĐKXT, tránh tình trạng tiêu cực như chèn thêm hồ sơ sau khi đã kết thúc thời gian xét tuyển...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm