Phụ nữ nông thôn Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, từ khó khăn kinh tế đến hạn chế tiếp cận thông tin, kiến thức. Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời nổi lên như một giải pháp then chốt giúp họ vượt lên hoàn cảnh, tự tin kiến tạo tương lai. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Tống Liên Anh, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời để hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng này.
- Thưa bà, bà có thể chia sẻ khái niệm "học tập suốt đời" được hiểu như thế nào trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với phụ nữ nông thôn?
Học tập suốt đời là một quá trình liên tục học tập để tích lũy kiến thức, kỹ năng và phát triển bản thân trong suốt cuộc đời con người, ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào.
Đối với phụ nữ nông thôn, điều này có thể bắt đầu từ những việc rất gần gũi như học cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, hay tiếp cận công nghệ để mở rộng cơ hội gia tăng thu nhập.
Học tập suốt đời, vì thế, là chìa khóa để họ thích nghi, vượt qua thách thức và mở ra những cơ hội mới cho bản thân và gia đình.
- Vì sao học tập suốt đời lại được coi là yếu tố then chốt để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo?
"Nghèo" trong định nghĩa mở rộng không chỉ là thiếu tiền mà còn là thiếu kiến thức, kỹ năng và cơ hội. Những loại hình "nghèo" này có liên hệ và tác động qua lại mật thiết với nhau.
Do đó, học tập suốt đời chính là đòn bẩy mạnh mẽ giúp phụ nữ nông thôn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Khi người phụ nữ học được cách đứng lên, cả gia đình và cộng đồng cùng được nâng đỡ.
- Trong quá trình nghiên cứu và thực tiễn của mình, bà nhận thấy đâu là những rào cản lớn nhất khiến phụ nữ nông thôn khó tiếp cận với việc học tập?
Tôi thấy có ba rào cản lớn. Thứ nhất là thời gian, phụ nữ nông thôn thường gồng gánh quá nhiều vai trò trong gia đình nên khó ưu tiên thời gian cho việc học. Những lớp học xoá mù chữ, lớp học nâng cao kiến thức cho bà con nông thôn vì thế thường được tổ chức vào buổi đêm, sau khi người phụ nữ đã hoàn thành việc đồng áng, nội trợ.
Đây cũng là khoảng thời gian họ đã thấm mệt sau một ngày lao động vất vả và cần phải có quyết tâm rất lớn mới có thể sắp xếp thời gian cho việc học.
Chuyên gia Tống Liên Anh đi thăm các lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ ở vùng cao Nghệ An, tháng 10/2020.
Rào cản thứ hai là tâm lý, nhiều người tự ti, nghĩ mình đã lớn tuổi, học không vào nữa. Hoặc cũng có nhiều phụ nữ có tâm lý "an phận", chưa thực sự có niềm tin cũng như nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học tập đối với cơ hội thay đổi cuộc đời của mình. Vì vậy, họ không có động lực học tập.
Cuối cùng, thiếu môi trường học tập phù hợp cũng là một lý do rất lớn. Hiện nay, cả nước ta có khoảng 10.000 trung tâm học tập cộng đồng nhưng hiệu quả của các trung tâm này chưa thực sự cao, chưa cung cấp được các khoá học đáp ứng nhu cầu người học, có nội dung thực tiễn thiết thực. Hình thức tổ chức các lớp học này cũng còn khá cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt. Nếu vượt qua được ba rào cản này, cơ hội cho phụ nữ nông thôn sẽ mở ra rất nhiều.
BÀ TỐNG LIÊN ANH
là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Bà tốt nghiệp loại xuất sắc Chương trình Thạc sĩ Giáo dục, trường Đại học Monash theo Học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và hai lần vinh dự được UNESCO trao tặng Học bổng nghiên cứu về các chính sách học tập suốt đời.
Trong 10 năm công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013-2023), bà phụ trách các Đề án, chương trình thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.
- Bà đánh giá thế nào về Dự án 6 "Truyền thông về giảm nghèo thông tin" trong việc hỗ trợ phụ nữ vùng nông thôn tiếp cận tri thức và học tập suốt đời?
Tôi đánh giá cao Dự án 6 vì nó chạm đúng một vấn đề căn cốt: thông tin là quyền, là tài nguyên và phương tiện để thay đổi cuộc đời.
Khi thông tin rõ ràng, dễ hiểu và hữu ích đến được với phụ nữ nông thôn, họ không chỉ biết – mà còn muốn học. Muốn học thì sẽ tìm cách để học.
Truyền thông tốt có thể góp phần xóa đi ba rào cản tôi vừa nói ở trên, bằng cách khơi gợi động lực, kết nối cộng đồng và làm cho việc học trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.
- Việc số hóa thông tin, tiếp cận công nghệ như điện thoại thông minh, mạng xã hội... có đang trở thành "cánh cửa mới" cho việc học của phụ nữ nông thôn không, thưa bà?
Chắc chắn là có. Tôi đã gặp nhiều phụ nữ nông thôn học làm bánh, trồng nấm và buôn bán online... qua TikTok, YouTube hay các nhóm Zalo. Điện thoại thông minh không chỉ là công cụ liên lạc mà còn là "lớp học bỏ túi" nếu biết tận dụng.
Tuy nhiên, để "cánh cửa mới" này mở ra rộng hơn, chúng ta cần đồng hành với họ: hỗ trợ kỹ năng số, hướng dẫn cách chọn lọc thông tin và xây dựng các nội dung số phù hợp với ngữ cảnh nông thôn.
Phụ nữ người Thái ở vùng cao Thanh Hóa tận dụng điện thoại thông minh để livestream giới thiệu và bán các sản phẩm thổ cẩm.
Có thể tham khảo rất nhiều các ví dụ thành công tại các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn tại Ấn Độ, chương trình "Internet Saathi" do Google và Tata Trusts triển khai đã trang bị kỹ năng số cơ bản cho hơn 1,2 triệu phụ nữ ở 40.000 ngôi làng nông thôn, giúp họ biết sử dụng smartphone và Internet sau nhiều năm bị hạn chế bởi định kiến văn hoá.
Nhờ được tập huấn, nhiều phụ nữ nông thôn Ấn Độ đã bắt đầu tận dụng mạng trực tuyến để cải thiện cuộc sống: họ tra cứu giá nông sản trước khi mua bán. Một số người còn dùng kiến thức mới để tạo thu nhập trực tuyến như bán sản phẩm của gia đình qua các nền tảng số.
Rất nhiều câu chuyện tương tự đã diễn ra tại Kenya, Gruzia (Georgia), Peru… cho thấy việc không ngừng học hỏi đã giúp phụ nữ nông thôn thích nghi với thời đại số, vượt qua rào cản về kiến thức, thông tin và công nghệ, đồng thời mở ra những cơ hội phát triển kinh tế – xã hội mới cho bản thân họ cũng như cho gia đình.
- Theo bà, làm thế nào để truyền thông về học tập suốt đời đến được với phụ nữ dân tộc thiểu số – nhóm dễ bị bỏ lại phía sau nhất trong quá trình tiếp cận thông tin?
Phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng rất đặc thù, vì vậy muốn đồng hành cùng họ chúng ta phải thật thấu hiểu các đặc trưng văn hoá, tập quán sinh hoạt, cách nghĩ, cách làm của họ.
Muốn truyền thông hiệu quả, phải nói bằng ngôn ngữ bản địa, kể những câu chuyện hoặc cung cấp thông tin qua hình thức mà họ yêu thích. Phải mời những phụ nữ có uy tín trong cộng đồng làm người truyền cảm hứng và cầu nối giữa chương trình với phụ nữ địa phương.
Chuyên gia Tống Liên Anh tham dự buổi dự giờ lớp học tiếng Thái tại Ngôi nhà trí tuệ, tỉnh Sơn La.
Và phải kiên trì đối thoại, không chỉ nói cho họ nghe, dạy cho họ học mà phải lắng nghe để học tập và phát triển cùng họ. Khi họ thấy học tập giúp cải thiện đời sống hàng ngày, học sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành niềm vui và cơ hội thay đổi cuộc đời.
- Từ góc nhìn của một chuyên gia, bà có thể chia sẻ những mô hình học tập hiệu quả nào đã giúp phụ nữ nông thôn thay đổi tư duy và phát triển sinh kế?
Tôi đánh giá cao các mô hình lớp học cộng đồng gắn với sinh kế, ví dụ, dạy cách làm nông nghiệp sạch ngay tại vườn của người nông dân, các mô hình câu lạc bộ học tập suốt đời nơi phụ nữ vừa học, vừa chia sẻ và giúp đỡ nhau. Những mô hình này thành công vì kết nối giữa học và làm, giữa người dạy và người học, giữa tri thức và đời sống.
Trên thế giới, tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình "Trường đại học chân đất" (Barefoot College) ở Rajasthan, Ấn Độ. Đây là mô hình học tập phi chính quy dành cho phụ nữ nông thôn không biết chữ, nơi họ được đào tạo để trở thành kỹ sư năng lượng mặt trời.
Mô hình "Trường đại học chân đất" (Barefoot College) ở Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: Tư liệu
Chương trình "Solar Mamas" đã giúp 1.700 phụ nữ lớn tuổi đến từ 96 quốc gia trở thành thợ điện mặt trời lành nghề, đưa điện sạch đến 75.000 hộ gia đình và điện khí hóa 1.300 ngôi làng. Quan trọng hơn, họ đã vượt qua rào cản định kiến, tự tin cầm mạch điện, máy hàn, và chứng minh rằng phụ nữ – kể cả mù chữ – vẫn có thể làm chủ công nghệ.
Nhiều người sau đó trở thành giảng viên, đào tạo lại cho hàng trăm phụ nữ khác tại châu Phi và châu Á, tạo nên một mạng lưới "kỹ sư chân đất" toàn cầu. Mô hình này còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như nha sĩ, giáo viên, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ nông thôn bằng chính tri thức thực tiễn.
Chuyên gia Tống Liên Anh giao lưu văn hóa với bà con người Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh.
Tại Việt Nam, tôi cho rằng Nam Định (cũ) là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai hiệu quả mô hình học tập gắn với sinh kế. Năm 2024, toàn tỉnh mở hàng chục lớp dạy nghề cho hơn 10.000 lao động nữ. Ngoài việc học kỹ thuật, chị em còn được hỗ trợ vốn thông qua các nhóm tiết kiệm – tín dụng.
Riêng Nam Định đã huy động hơn 545 tỷ đồng giúp hơn 100.000 lượt phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, nhiều người đã vươn lên làm chủ cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ khác. Đây chính là tác động lan tỏa mà học tập suốt đời mang lại.
- Làm thế nào để các chương trình học tập không chính quy – như học qua mạng xã hội, hội nhóm Zalo, lớp tập huấn ngắn hạn – có thể được công nhận và phát huy hiệu quả bền vững?
Để các hình thức học này được công nhận và phát huy lâu dài, Nhà nước cần sớm xây dựng một cơ chế đánh giá và công nhận kết quả học tập ngoài hệ thống chính quy, bao gồm học tập không chính quy, phi chính quy và cả học từ trải nghiệm.
Việc phát triển Khung trình độ quốc gia và hồ sơ học tập cá nhân – trong đó có thể tích hợp các chứng chỉ kỹ năng, khóa học ngắn hạn, hoặc xác nhận từ cộng đồng, sẽ giúp người học có cơ sở để tiếp cận các chương trình đào tạo tiếp nối, cơ hội việc làm, hoặc hỗ trợ vốn, khởi nghiệp.
Cùng với đó, cần khuyến khích các địa phương, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia vào quá trình xác thực kỹ năng thực tế. Một người phụ nữ học cách nuôi lợn sạch theo theo công nghệ chăn nuôi mới qua youtube và áp dụng thành công, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống thì kỹ năng đó cần được công nhận, không kém gì một tấm bằng.
"Khi việc học, dù từ lớp học hay từ cuộc sống, đều có thể được công nhận và dẫn tới cơ hội thực tế, thì việc học sẽ trở thành nhu cầu tự thân, tạo động lực lâu dài. Đó cũng là cách để học tập suốt đời không còn là khẩu hiệu, mà trở thành một phần sống động trong đời sống của mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn".
Chuyên gia Tống Liên Anh
- Bà có khuyến nghị gì dành cho các nhà hoạch định chính sách và địa phương để học tập suốt đời trở thành một phần trong đời sống của phụ nữ nông thôn?
Để học tập suốt đời thực sự "có chỗ đứng" trong cuộc sống hằng ngày của phụ nữ nông thôn, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực cá nhân. Cần có những thay đổi đồng bộ từ cấp chính sách đến cấp cơ sở. Tôi có ba khuyến nghị:
Thứ nhất, tích hợp giáo dục suốt đời vào các chương trình phát triển nông thôn thay vì coi giáo dục là lĩnh vực tách biệt. Một dự án về nông nghiệp sạch, khởi nghiệp nông thôn, y tế cộng đồng… đều có thể là "lớp học mở" nếu ta đưa yếu tố học tập vào cách thiết kế và triển khai.
Thứ hai, đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế học tập cộng đồng. Đây là nơi tạo điều kiện để phụ nữ học khi rảnh rỗi, học từ người thật, việc thật, và học theo cách linh hoạt phù hợp với cuộc sống của họ. Đồng thời, cần gắn các thiết chế này với nền tảng số, để những nội dung học qua mạng, Zalo, YouTube… được hỗ trợ và dẫn dắt đúng hướng.
Lớp dạy tiếng Thái tại Ngôi nhà trí tuệ, tỉnh Sơn La.
Thứ ba, phát triển đội ngũ "hướng dẫn viên học tập" tại chỗ. Họ có thể là cán bộ phụ nữ, nông dân tiêu biểu, hoặc những người đã từng học và thay đổi cuộc sống nhờ học tập. Đây là những người gần gũi, am hiểu cộng đồng, có thể truyền cảm hứng, hỗ trợ kỹ năng cơ bản và kết nối người học đến các cơ hội phù hợp. Một người thầy biết nói tiếng dân tộc, hiểu tập quán, gần gũi đời sống đôi khi còn đóng vai trò quan trọng hơn cả nội dung giảng dạy.
Và để ba giải pháp này thực sự phát huy tác dụng, tôi vẫn xin được nhắc lại khuyến nghị đã nêu phía trên: Nhà nước cần xây dựng một hệ thống công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy. Khi người học thấy rằng dù học từ lớp ngắn hạn, từ kinh nghiệm lao động, từ mạng xã hội… mà vẫn được xã hội thừa nhận và mở ra cơ hội, thì học tập suốt đời sẽ trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống, chứ không còn là điều xa vời.
- Bà muốn gửi gắm thông điệp gì đến những người phụ nữ nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn đang do dự trong việc học hoặc thay đổi bản thân?
Tôi muốn chia sẻ với chị em rằng: mỗi khi chúng ta học thêm một điều gì đó, dù nhỏ thôi, cũng là lúc chúng ta mở rộng thêm một cánh cửa cho chính mình để bước gần hơn đến sự tự do và tự chủ, thay vì "nhốt mình" nơi góc bếp. Không có ai là quá già để học, cũng không ai nghèo đến mức không thể bắt đầu.
Học không phải để hơn người khác, mà để hiểu mình rõ hơn, để sống chủ động hơn, để không bị ràng buộc bởi sự thiếu thốn hay mặc cảm. Hãy học vì chính chúng ta, vì gia đình và những người yêu thương, và vì một tương lai mà chính chúng ta là người lựa chọn chứ không phải là người cam chịu!
- Xin cảm ơn bà!