"Người mẹ" của hơn 70 bà bầu lầm lỡ

"Người mẹ" của hơn 70 bà bầu lầm lỡ


Trong 16 năm, bà Nguyễn Thị Nhiệm đã thu nhặt hơn 200.000 thai nhi bị phá bỏ mang về mai táng với niềm tin: "Các con không có cơ hội được có mặt trên đời thì cũng có một cuộc đời bình an ở thế giới bên kia".  Không những thế, bà còn dang rộng vòng tay nuôi hơn 70 mẹ bầu "lầm lỡ" cho đến khi mẹ tròn con vuông.

Nhặt hơn 200.000 thai nhi về nhà mai táng

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nhiệm (thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã xế trưa. Nghe tiếng gọi, bà Nhiệm quần ống thấp ống cao từ hồ gần nhà hớt hải chạy về, tay ôm một mớ bèo tây. Bà cho bèo vào máy thái, sau đó trộn với cám mang ra chuồng cho gà vịt ăn. Sau khi rửa tay, bà rót chén nước mời khách rồi bắt đầu câu chuyện. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về quãng thời gian làm việc thiện, bà gạt đi, bảo: "Có gì đâu chú, mình làm với tâm của mình thôi".

Nói đến đây, bà cúi gằm xuống, đôi mắt rưng rưng khi nhớ về kỷ niệm cũ. Đó là thời điểm vào năm 1987, trong lúc đang chăm sóc người thân chờ sinh con ở một BV, bà gặp nam thanh niên đưa vợ đi "phá thai". Sau khi trò chuyện, bà được biết cô vợ mang thai đã 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, người vợ buộc phải bỏ thai vì nếu giữ sẽ ảnh hưởng đến việc đi nước ngoài của chồng. Người vợ đau khổ lắm, nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác. Sau khi thực hiện thủ thuật, bà thấy người vợ ngóc đầu lên nhìn đứa con một lần nữa, bật khóc rồi vẫy tay chào để bác sĩ đưa thai đi. Nhân viên y tế cuốn thai nhi vào chiếc khăn vải rồi đưa ra chôn vào một góc của BV. "Chứng kiến cảnh đó, tôi ám ảnh mãi. Sau đó, tâm trí luôn thôi thúc mình phải tìm chỗ an nghỉ cho các sinh linh vô tội", bà chia sẻ.

Dù vậy, phải đến năm 2004, bà mới chính thức bước vào chặng đường tìm nơi an nghỉ cho các sinh linh bị bỏ rơi. Lúc đó, gia đình chưa có điều kiện nhưng vẫn đầu tư một chiếc tủ đông gần chục triệu đồng. Đó là số tiền lớn vào thời điểm đấy. Bà đã phải bán đi gần 2 cây vàng, vốn là đồ tiết kiệm của hai vợ chồng để mua tủ. Hàng ngày, vợ chồng bà đạp xe đến các phòng khám tư hay BV quanh vùng để thu gom thai nhi bị bỏ rơi. Sau khi thu gom, bà cho thai nhi vào tủ đông, khoảng 1-2 tuần thì đem chôn tập thể.

Thời gian đầu, chưa có nơi để chôn cất thai nhi, bà bèn đưa về táng tại một góc bên bờ ruộng nhà mình. Tuy nhiên, từ năm 2007, số lượng thai nhi nhặt về ngày một nhiều, trong khi ruộng thì đã hết. Gia đình bà gom tiền mua 6 sào ruộng bên cạnh nghĩa trang Đồi Cốc để làm nơi an nghỉ cho các con. Cũng từ đó, 6 sào ruộng của gia đình bà Nhiệm dần trở thành nghĩa trang thai nhi xấu số rồi nhập vào nghĩa trang Đồi Cốc cho đến nay.

 Khi hay tin bà thu gom thai nhi về chôn cất, một số tổ chức từ thiện nhặt thai nhi nhưng chưa có nơi chôn cất cũng mang về nhờ bà giúp đỡ. Không chút chần chừ, bà đồng ý tiếp nhận. Cũng từ đó, số thai nhi được đưa về ngày càng nhiều và việc chôn cất được thực hiện theo tuần. Tháng cao điểm, bà gom từ các nơi và các tổ chức từ thiện khác được hơn 2.000 thai nhi mang về chôn cất. "Hôm nào chôn cất tập thể, người dân địa phương cùng các nhóm thiện nguyện đến từ sớm làm công tác vệ sinh khuôn viên nghĩa trang. Các thai nhi sẽ được mặc áo cẩn thận, đắp khăn và nâng niu đặt nằm ngay ngắn trong chiếc tiểu sành", bà kể.  

Bà bảo, sau 16 năm làm công việc thiện, bà và các tổ chức khác đã chôn cất hơn 200.000 thai nhi, với hàng trăm ngôi mộ nằm trong nghĩa trang Đồi Cốc. Nói rồi, bà dẫn chúng tôi ra thăm nghĩa trang Đồi Cốc. Sau khi quét dọn, bà lau các tấm bia. Chỉ vào dãy mộ, bà cho biết mỗi ngôi mộ  trung bình có từ 5-10.000 sinh linh. Trong đó, ngôi mộ lớn nhất chứa đến 30.000 hài nhi. Chúng tôi quan sát, thấy trên các bia mộ đều có tên là Bình An, bà bảo đó là tên chung của tất cả các con. Bà mong, các con đã không được sinh ra trên đời thì sẽ được bình an nơi thế giới bên kia.

Chia sẻ về những khó khăn trong quãng thời gian thu nhặt thai nhi, bà bảo ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ví như, tại các BV, phòng khám tư ban đầu họ đồng ý để bà thu gom thai nhi. Tuy nhiên, sau đó không biết tiếng "đồn" như thế nào mà họ từ chối. Bà phải giải thích rằng, bản thân chẳng thu lợi ở việc này mà chỉ mong được làm việc thiện, tích đức cho con cái. Dần dần, chính những bác sĩ, chủ những phòng khám hiểu được công việc bà làm đã đồng ý để bà mang thai nhi đi chôn cất. Thậm chí, họ còn gom giúp cho vào túi nilon, khi thấy bà đạp xe tới thì giao để bà mang đi chôn cất.

Đặc biệt, khi thấy bà đi gom thai nhi, người dân trong xóm ai cũng bảo "khùng". Không những thế, người làng còn bảo việc mang thai nhi về địa phương chôn cất ảnh hưởng đến môi trường nên phản đối. Tuy nhiên, bà chẳng nản, vẫn lặng lẽ làm việc, chỉ có chồng con động viên, xúm vào cùng hỗ trợ bà. Cha xứ sau này cũng hiểu được công việc của bà nên cũng ủng hộ, dần dần người dân cũng không còn ý kiến nữa. "Tôi không biết đi xe máy, nên chỉ đi bộ hoặc xe đạp đi thu gom thai nhi. Những khi rảnh rỗi, chồng tôi lại chở xe máy cùng đi thu gom thai nhi bị bỏ rơi. Ông ấy vẫn động viên tôi đây là mục đích cao cả, nên tiếp tục và chúng tôi vẫn sát cánh làm việc cho đến nay" bà Nhiệm chia sẻ. 

Bài 2: Người "mẹ" của hơn 70 "bà bầu lầm lỡ - Ảnh 2.

Bà Nhiệm tự trồng rau để cung cấp cho các "bà bầu" lầm lỡ (ảnh: Linh Trần)

Nuôi 70 "bà bầu" lầm lỡ đến khi "mẹ tròn con vuông"

Không chỉ thu gom thai nhi, bà Nhiệm còn là người giàu lòng nhân ái  khi đã nuôi đến 70 bà bầu lầm lỡ cho đến khi mẹ tròn con vuông rồi về với gia đình. Tất cả chi phí chăm nuôi các bà bầu đều một tay gia đình bà gánh vác.

Bà dẫn chúng tối đến thăm căn nhà rộng chừng 200m2 ở cuối xóm cách căn nhà chính khoảng 500m, được trang bị đầy đủ quạt, điều hòa, nhà ăn, nhà bếp, giường tủ,…Đây là căn nhà vợ chồng bà đã dựng cách đây 2 năm, với tổng chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng chỉ để cho các mẹ bầu cơ nhỡ "ăn nghỉ" tại đây.

 Vừa nói đến đây, một cô gái trẻ bụng "lùm lùm" mở cửa hé ra. Bà bảo, đó là M.A. (Quê ở Bắc Ninh) mang thai tháng thứ 8. M.A. là công nhân khu công nghiệp Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), trót mang thai với người yêu. Tuy nhiên, khi hay tin có bầu, gia đình nhà trai không chấp nhận, còn người yêu thì cao chạy xa bay. Khi đó, cái thai đã 5 tháng, bỏ cũng tội lại nguy hiểm. Sau khi suy nghĩ, A. quyết định sinh con một mình. Tuy nhiên, cô cũng chỉ làm thêm được 1-2 tháng nữa rổi xin nghỉ, bởi bụng to ảnh hưởng đến công việc, trong khi yêu cầu của công ty thường xuyên tăng ca. Cô dấu gia đình, sợ bố mẹ buồn nên quyết định sinh con xong rồi về. Tuy nhiên, nghỉ việc, không có tiền. Đồng lương công nhân trước đây tiết kiệm được đồng nào thì cô gửi về nhà phụ bố mẹ lo cho các em. Bạn bè phần lớn là công nhân nên cũng khó khăn, có giúp cũng được bao nhiêu. Hay tin bà Nhiệm làm từ thiện, cô đánh liều tìm về mong được giúp đỡ. Thấy hoàn cảnh của A. bà nhận nuôi.

Bài 2: Người "mẹ" của hơn 70 "bà bầu lầm lỡ - Ảnh 3.

Vườn bưởi của gia đình bà Nhiệm (ảnh: Linh Trần)

 Sau khi dọn về khu nhà của bà Nhiệm ở, công việc của A. là nghỉ ngơi để dưỡng thai, thi thoảng có quét sân, dọn dẹp nhà cửa. Lương thực, thực phẩm bà Nhiệm cung cấp, các nhu yếu phẩm khác như xà phòng, dầu mỡ bà Nhiệm đều mua mang đến, quyết không để các cháu khó khăn, thiếu thốn.

Chỉ sau vài năm, gia đình bà Nhiệm đã đón khoảng 70 phụ nữ trẻ lầm lỡ đến nhờ tá túc. Họ những phụ nữ trẻ tuổi, thường mang thai từ tháng thứ 6 trở đi xin sống nhờ cho đến khi mẹ tròn con vuông, thường khoảng từ 2-3 tháng sau sinh. Thậm chí, có trường hợp ở đến 5-6 tháng sau sinh. Các cô ở đây đều được miễn phí 100%, bao gồm điện nước, ăn, ở, thậm chí trường hợp nào khó khăn, gia đình bà còn hỗ trợ cả chi phí sinh nở. "Khi sinh, nếu các cháu không có tiền, chúng tôi hỗ trợ chi phí sinh con, chăm sóc tại BV, khi nào khỏe mới đón về. Toàn bộ các chi phí, chúng tôi đều miễn phí", bà Nhiệm chia sẻ.

Khi hỏi chi phí để chu cấp cho "người dưng", bà bảo đều là vợ chồng tự làm và các con đóng góp. Những tấm lòng hảo tâm khi đến thăm, cũng tặng bà dăm trăm, một triệu đồng. Hơn nữa, gia đình bà cũng có một người thân là cha xứ ở nước ngoài, nên cũng thường xuyên kêu gọi, hỗ trợ để bà làm việc thiện. Số tiền có được từ hỗ trợ, bà chẳng dám tiêu cho riêng mình mà đều dành để hỗ trợ cho các mảnh đời khốn khó khác. "Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi, còn chồng thì hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự làm 8 sào ruộng để lấy gạo ăn, rau chồng ngoài vườn, nuối hơn 100 con gà vịt để lấy thực phẩm hỗ trợ các cháu. Chúng nó trẻ người, non dạ, chẳng may lỡ lầm. Họ phải tìm đến tôi là đã chẳng còn cách nào khác. Mình hỗ trợ được chút nào thì hay chút ấy thôi", bà chia sẻ.

Bà Nhiệm làm việc thiện đã nhiều năm, nhưng cũng chẳng mong được đền đáp, chẳng mong được vinh danh. Những người mẹ sau khi sinh con ổn định thì về quê, có người nhờ thì 1-2 lần trở lại thăm bà, còn có người thì "mất tăm". Bà chẳng trách. Địa phương cũng nhiều lần mời bà đi dự hội thảo, vinh danh nhưng bà đều từ chối. "Mình làm việc thiện xuất phát từ tâm chứ chẳng vì mục đích nào khác. Tôi chỉ mong, các cô gái trẻ sau khi được giúp đỡ trở về cuộc sống thường ngày biết quý sự sống, biết chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời lỡ lầm khác", bà Nhiệm bày tỏ.

Linh Trần (thực hiện)