"Khi làm công tác thiện nguyện, tôi được nhiều hơn mất. Tôi được niềm vui, được hạnh phúc sẻ chia, được nhiều ân tình từ mọi miền Tổ quốc nơi mình đi qua, những người mình đã gặp. Tôi trưởng thành hơn, biết sống vì mọi người hơn", Nhà báo, Thiếu tá Hoàng Trường Giang chia sẻ.
Gần 14 năm gắn bó với Báo Quân đội nhân dân cũng là gần như chừng ấy thời gian mà Thiếu tá, Nhà báo Hoàng Trường Giang mê mải với các hoạt động thiện nguyện. Hơn 20 công trình cộng đồng, hàng vạn chăn, áo ấm, hàng nghìn thiết bị học tập, hàng trăm suất học bổng và rất nhiều cuộc đời khó khăn đã được anh trực tiếp đứng ra kêu gọi, quyên góp, hỗ trợ. Khi tôi hỏi sao anh lại say mê công việc này như vậy, anh chỉ cười và nói, "có lẽ tôi mắc nợ biên cương hải đảo".
Chúng tôi gặp Thiếu tá Hoàng Trường Giang vào một ngày đầu tháng 12 rét buốt tại Hà Nội, khi anh vừa cùng đồng đội trao sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng cho hai cháu Lò Quang Việt và Lò Tuấn Anh. Hai cháu là con liệt sĩ Thiếu tá Lò Văn Thép (Đồn Biên phòng Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu) hy sinh hồi tháng 11/2020 khi làm nhiệm vụ tuần tra phòng chống dịch Covid-19. Trước đó anh cũng đã huy động 50 triệu đồng để hỗ trợ gia đình Trung úy Trần Hữu Chiến, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh bị tội phạm ma túy bắn bị thương trong khi làm nhiêm vụ.
Nhắc đến 2 trường hợp này, anh ngậm ngùi thương cảm. Anh bảo, Thiếu tá Lò Văn Thép hy sinh nơi đầu nguồn sông Đà (Mù Cả, Mường Tè Lai Châu) để lại người vợ trẻ và hai con thơ trong điều kiện rất khó khăn. Sau gần 20 năm nhập ngũ, 12 năm lập gia đình nhưng anh Thép chỉ có chưa đầy 3 năm được ở cùng vợ con. Anh hy sinh, chỉ còn lại người vợ góa bụa nuôi hai con trong căn nhà tạm bợ mà anh vẫn hứa Tết này sẽ sửa chữa khang trang. Vợ anh, một cô giáo dạy ở Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) cách nhà hơn 30km, hàng ngày vẫn chạy xe máy và đi bộ ngược núi nửa tiếng đồng hồ đến điểm trường. Từ khi bố hy sinh, hai cậu con trai một học lớp 6, một cháu học lớp 4 ở nhà tự trông nhau. Trước tình cảnh trên, Thiếu tá Hoàng Trường Giang đã trao đổi với chỉ huy Biên phòng Lai Châu. Các anh mong muốn làm sao huy động một khoản tiết kiệm để giúp hai con đồng đội tiếp tục học hành, nuôi dưỡng giấc mơ…
Còn đồng chí Trần Hữu Chiến (sinh năm 1994, quê ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là trinh sát Đồn Biên phòng Sơn Hồng, bị bắn trọng thương trong chuyên án vây bắt tội phạm ma túy đêm ngày 10/11 vừa qua tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Theo đó, khi bị phát hiện, những kẻ trong đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam đã điên cuồng chống trả, bắn trọng thương trung úy Chiến rồi tẩu thoát. Chiến được đồng đội đưa ra Hà Nội ngay để cấp cứu.... Đồng đội cho biết, Chiến lấy vợ nhưng vẫn quanh năm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm. Vợ Trung úy Chiến ở nhà chăm con gái hơn 2 tuổi và mẹ chồng đau yếu nghỉ mất sức. Điều đáng nói là ông nội của Trung úy Chiến là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ; bố của anh là một trung tá biên phòng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ năm 2009 tại Đắk Nông. Ngày ấy Chiến mới 15 tuổi, cậu thanh niên lớp 9 đã gạt nước mắt, xếp vòng khăn tang để quyết tâm theo chân cha bảo vệ biên giới.
Thiếu tá Hoàng Trường Giang nói rằng, "nghề báo, nghiệp lính" đã cho anh cơ hội đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện. Nhưng anh đặc biệt xúc động và nặng lòng với biên cương hải đảo, với những phận người khó khăn, với cuộc sống của trẻ em và những đồng đội của mình còn muôn vàn gian nan vất vả. Sau hơn 10 năm gắn bó với hành trình sẻ chia, đến nay anh đã trực tiếp kêu gọi xây dựng được hơn 20 công trình từ thiện là các điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, nhà đa năng, công trình nước sạch,… Riêng trong năm 2020, nhà báo, Thiếu tá Hoàng Trường Giang đã tham gia huy động tài trợ với số tiền hàng tỷ đồng như xây dựng nhà ăn bán trú Trường Mầm non Mù Cả (huyện Mường Tè, Lai Châu) trị giá 270 triệu đồng; Nhà bán trú Trường PTDT Bán trú THCS Huổi Mí (huyện Mường Chà, Điện Biên) trị giá 180 triệu đồng; tặng quỹ duy trì lớp học tình thương Trường Tiểu học Phước Thắng, TP Vũng Tàu 100 triệu đồng; huy động nguồn lực chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung…
Thiếu tá Hoàng Trường Giang chia sẻ, trên hành trình thiện nguyện mỗi chương trình anh làm đều là những dấu ấn, những ân tình không thể nào quên của cả người cho và người nhận. Một trong những ký ức đó mà anh rất nhớ là công trình đầu tiên năm 2009 khi làm Nhà Đại đoàn kết cho người La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Đây là một dân tộc đặc biệt khó khăn, có nguy cơ suy giảm giống nòi. Người La Hủ còn được gọi là "xá lá vàng" tức họ lợp nhà bằng lá cây, khi nào lá cây vàng héo thì họ bỏ đi.
Năm ấy, khi nghe các đồng chí ở Bộ CHBP Lai Châu trao đổi về chương trình xây nhà cho người La Hủ, nhà báo Hoàng Trường Giang đã không chần chừ mà nhận lời tham gia ngay. Khi đó xin được tài trợ đã khó mà lúc làm nhà cũng không kề đơn giản vì việc chuyển vật liệu từ nơi tập kết đến nơi là nhà mất hơn 1 ngày trời đi bộ xuyên rừng. Mái tôn, cột, kèo, đinh, dây thép, xi măng… đều trên vai người lính và dân công để vào đến nơi. Ấy vậy mà khi làm xong, bộ đội biên phòng còn phải rất vất vả tuyên truyền, vận động, giúp đỡ thì đồng bào La Hủ mới vào nhận nhà ở. Mấy tháng trời cực khổ nhưng khi có người ốm, không ít gia đình lại bỏ nhà đi vì sợ "con ma" bắt. Có anh bộ đội biên phòng nhìn cảnh ấy mà rơi nước mắt…
Là người con sinh ra và lớn lên từ vùng cao biên giới Lai Châu, rồi sau này trở thành một người lính, Thiếu tá Hoàng Trường Giang các đồng cảm hơn với cuộc sống nơi miền biên viễn của Tổ quốc. Đặc biệt với trẻ em miền núi, khi mà quanh năm trường học là lều lán, giầy dép là đôi chân trần, quần áo phong phanh da thịt và hành trình đến lớp có khi cũng là một "cuộc cách mạng". Cũng vì thế, mỗi công trình anh làm đều mang giá trị tinh thần rất lớn. Một trong những công trình đó là điểm trường trường mầm non Lả Nhì Thàng (xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mà anh thực hiện năm 2013.
Điểm trường trường mầm non Lả Nhì Thàng là điểm trường nằm trên độ cao hơn 2.000m, quanh năm sương giá mây mù và phải mất gần 4 giờ đồng hồ đi bộ mới ra đến đường giao thông. Công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ và trị giá hơn 120 triệu đồng, hoàn thành đúng dịp 20/11/2013. Điều xúc động hơn cả là tháng 12 năm ấy miền Bắc đại hàn, băng tuyết phủ kín núi rừng, cô Phạm Bạch Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sì Lờ Lầu đã gọi điện cho nhà báo Hoàng Trường Giang vừa khóc vừa nói rằng: Nhờ có điểm trường này mà năm nay bọn trẻ con trốn được phần nào cái rét "chết cả trâu bò"…
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Trường Giang vẫn nhắc chuyện những ngày đầu anh bước chân đi theo các hoạt động tình nguyện. Khi đó nhiều người, thậm chí cả bạn bè, người thân cũng nghĩ rằng, anh đang trẻ nên hăng hái, bốc đồng, một vài năm là chán ngay thôi. Thế nhưng anh cũng đã duy trì được "sự bốc đồng" đó được mười mấy năm rồi.
Không chỉ vậy, hành trình thiện nguyện của nhà báo Hoàng Trường Giang bây giờ đi vào "quỹ đạo" vào quy cũ hơn nhiều khi anh được cơ quan Báo Quân đội nhân dân giao phụ trách công tác an sinh xã hội của Báo. Nhiều anh em, bạn bè, đồng đội và cả gia đình cũng đã trở thành các thành viên không thể thiếu trong các chương trình cộng đồng của Thiếu tá Hoàng Trường Giang.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, sau nhiều năm đi làm thiện nguyện, anh được gì và mất gì? Anh bảo: Tôi đã mất nhiều thời gian, công sức, mất một phần tuổi trẻ nơi rừng xanh núi đỏ khiến bản thân xao nhãng việc gia đình, cơ quan nên công danh, sự nghiệp và hạnh phúc riêng đều chậm, muộn hơn so với bạn bè. Nhưng tôi được nhiều hơn mất, tôi được niềm vui, được hạnh phúc sẻ chia, được nhiều ân tình từ mọi miền Tổ quốc nơi mình đi qua, những người mình đã gặp. Tôi trưởng thành hơn, biết sống vì mọi người hơn, thêm nhiều bạn bè hơn và… lấy được vợ cũng nhờ đi tình nguyện. Xã hội phát triển, cuộc sống dư dả hơn nên bây giờ nhà nhà, người người, mọi cơ quan đơn vị đi làm từ thiện nhưng tôi nghĩ đừng hào nhoáng hay trang trọng hóa nó. Tôi thích một quan điểm của Phật giáo đại ý rằng, khi ta thắp một ngọn nến soi cho người khác thì đồng thời nó cũng soi sáng chính con đường ta đi.
Giúp người là giúp mình, vậy thôi!
Linh Trần (thực hiện)