pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái khiếm thính mở tiệm giặt là cho người Điếc
Tiệm giặt mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Đam mê như ngọn lửa – khó khăn như cơn gió. Gió càng to lửa càng mạnh chỉ đúng khi đam mê đủ lớn – còn ngược lại đam mê sẽ lụi tàn khi đam mê đó chưa đủ lớn. Và thậm chí khi gió to, đam mê cũng cần chuyển hướng… Có ai đó đã nói vậy và khi tiếp xúc, làm việc với Lương Thị Kiều Thúy, một cô gái khiếm thính, chúng tôi càng thấy những lời đó dường như là để giành cho Thúy.
Khởi nghiệp tạo việc làm cho người Điếc
Thúy sinh ra không khiếm thính bẩm sinh mà khi lớn lên đi học rồi "khả năng nghe của em cứ dần kém đi". Khi mang thai em, mẹ em dùng kháng sinh và rồi dần dần, mẹ em điếc hẳn còn em thì… Cũng vì lẽ muốn cho mẹ không bị lạc hậu thông tin nên cô gái ấy đã quyết tâm trở thành một nhà báo và vào trường Cao đẳng Truyền hình – Chuyên ngành báo chí.
Tốt nghiệp ra trường và lập gia đình rồi sinh con nhưng sức nghe ngày càng kém nên Thúy phải chuyển nghề vì mưu sinh cuộc sống. Suốt 5 năm rẽ ngang với bao sự kiện, dù có thu nhập cao với tám con số không nhưng bản thân Thúy vẫn không cảm thấy thoải mái bởi Thuý luôn sống một cuộc sống rất cô đơn, lặng lẽ vì khó khăn trong giao tiếp.
Khi thực hiện "Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019" đồng nghiên cứu cùng Viện iSEE, Thúy càng hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong việc làm của người đồng cảnh cũng như những tâm tư – nguyện vọng của họ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy "Nghề nghiệp của người Điếc hiện tại chỉ xoay quanh các công việc phổ thông, ít có tính sáng tạo, các công việc lặp đi lặp lại các hành động, theo một giai đoạn hoặc quy trình". Nguyên nhân cũng là do "chưa có chương trình giảng dạy các cấp tiểu học, trung học cơ sở hay trung tâm đào tạo nghề… phù hợp với người Điếc". Câu hỏi tạo thêm ngành nghề gì để người Điếc có thể làm việc cứ xoay trong tâm trí Thúy.
Là người năng động, nhanh nhạy và không chịu ngồi yên, Thúy luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động của và vì người khuyết tật. Nộp câu chuyện thành công như một điều kiện dự tuyển vào khóa tập huấn về khởi nghiệp kinh doanh trong dự án "Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho Người khuyết tật" do Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam tổ chức cũng là một việc "luôn và ngay" khi Thúy biết thông tin.
Trong bài viết mà dự án yêu cầu, Thúy có kể về 'mối lương duyên" với công việc giặt là mà Thúy ấp ủ: "Nhờ một mối quan hệ kết nối tôi được biết đến công việc giặt là. Sau khi hình dung ra công việc này có thể phù hợp với người Điếc/khiếm thính, tôi đã quyết định nghỉ công việc chính của mình để trải nghiệm công việc giặt là. Tôi được trao cơ hội làm chủ một cửa hàng giặt là, không có lương cứng, tự tìm kiếm và xây dựng lòng tin từ khách hàng, tự trả lương cho mình bằng doanh thu – chi phí. Thu nhập không mấy khả quan khi chỉ làm một mình khiến tôi nhận định rằng, công việc phù hợp với khả năng của tôi nhưng lại không có hệ thống để duy trì ra lợi nhuận.
Bước tiếp theo tôi xin vào làm cho một cơ sở giặt là lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhượng quyền kinh doanh. Từng có kinh nghiệm giặt là và sự tỉ mỉ, khéo léo trong quá trình làm việc trước đó, tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ làm lễ tân và vận hành máy kiêm nhiệm quản lý nhân viên giao nhận cho cửa hàng. Ở vị trí này tôi được đào tạo vận hành giặt là và có nhiều kinh nghiệm từ công việc. Trong quá trình làm việc tôi đã xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hoá 1 bộ máy tại cửa hàng để công việc diễn ra trơn tru nhất, cách khắc phục phần giao tiếp đối với khách hàng bằng cách viết giấy…
Khi dịch Covid-19 diễn ra, cửa hàng phá sản do doanh thu không bù lại các chi phí hàng tháng, chi phí thuê mặt bằng quá cao, khách hàng trên mảng công nghệ như app quá ít, bên bán nhượng quyền thiếu trách nhiệm với bên mua, chỉ trong 3 tháng đầu hoạt động chỉ thu lại được 1-3 khách thành viên, càng làm càng lỗ.
Chứng kiến cảnh tượng cửa hàng có nguy cơ như vậy tôi nhận thấy rằng mình cần phải làm gì để thay đổi tốt nhất cho ý tưởng giặt là của mình, để đảm bảo người Điếc có thể làm việc và tạo ra thu nhập ổn định." Kiều Thúy chia sẻ thêm.
Vốn biết rõ yếu thế của mình, Thúy luôn tích cực học hỏi. Cô cũng không ngại ngần chia sẻ dự án Giặt là Sáng của mình ra để mọi người mổ xẻ, phân tích, góp ý và cùng hoàn thiện. Nhờ đó, Thúy đã ''gom" được cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích. Kết thúc khóa tập huấn "Khởi nghiệp dựa vào nội lực" và "Phân tích và phát triển chuỗi giá trị do người sản xuất làm chủ", Thúy phấn chấn bày tỏ: "Thành quả những ngày thu hoạch kiến thức không chỉ là giấy chứng nhận, mình hy vọng có thể áp dụng thật tốt các kiến thức trong dự án của cá nhân. Có lẽ phải cố gắng thật nhiều, thật nhiều nữa…"
Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho Người khuyết tật
"Cố gắng và cố gắng và thật cố gắng" là câu thần chú và cũng là khẩu hiệu của Thúy. Vận dụng những kiến thức đã học, cô đã tận dụng được tối đa các nguồn lực của cộng đồng để hướng vào công việc kinh doanh của mình. Tham dự cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2020 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, được trao giải thưởng Cánh Én Vàng, cơ hội đã mở ra với Giặt là Sáng.
Dự án không chỉ được nhiều người biết tới mà quan trọng nhất là Thúy đã tìm được nhà đầu tư của mình: chuỗi Giặt Ký. Thuý cùng tổ chức của mình (SÁNG) ký hợp đồng liên danh mang tên Giặt Ký +. Ngày 23/12/2020, Tiệm giặt là của người Điếc mang tên Giặt Ký + chính thức được khai trương.
Lợi nhuận của Tiệm Giặt Ký + sẽ được sử dụng hoàn toàn cho các lớp học kỹ năng sống cho người Điếc, hỗ trợ người Điếc hòa nhập xã hội. Tiệm giặt đã được ghi dấu trong cộng đồng người Điếc với sự tin tưởng, nhiều bạn đến xin học nghề với mong muốn được có việc làm dài lâu.
Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ: Khóa học của "Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho Người khuyết tật" của quỹ Abilis mà Thúy tham gia đã giúp cô học viên tích cực nhận ra rằng "bản thân mình rất hợp với kinh doanh qua những ngành nghề trước đây, tin rằng mình có trực giác, phẩm chất kinh doanh từ rất sớm nhưng không phát hiện ra. Khi học rồi mới cảm thấy hiểu về bản thân mình hơn, biết thiếu sót ở điểm nào để tiếp tục phát huy". Đó cũng chính là động lực để Thúy mạnh dạn thực hiện dự án mở tiệm giặt là người Điếc đầu tiên.
Bước đường còn dài để Thúy bước đi, chinh phục giấc mơ cống hiến cho cộng đồng người Điếc nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Nữ start-up chia sẻ, cô vẫn đang tiếp tục cố gắng không ngừng để hoàn thiện hơn nữa các kế hoạch của mình tốt hơn nữa để có thể thu hút được thêm nhà đầu tư, mở rộng được dịch vụ, tăng năng suất và tăng doanh thu cho dự án khởi nghiệp của mình.
Tiệm Giặt là của người Điếc mở cửa từ 7h30 đến 20h30 (Thứ 2 - thứ 6) và từ 9h đến 20h (Thứ 7, Chủ nhật) tại địa chỉ: Số 7 đường bờ sông Sét. Tân Mai. Hà Nội. Liên hệ: 0982669933 (nhắn tin). Bạn có thể đặt dịch vụ trên các ứng dụng công nghệ như: Zalo, Facebook.
Fanpage của Tiệm: https://www.facebook.com/tiemgiatlanguoiDiec