Dành tình yêu và đam mê cho du lịch cộng đồng, từ nếp nhà sàn ven bờ suối của gia đình, cô gái Tày Hoàng Thị Xới (xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai) đang từng ngày nỗ lực đánh thức những tiềm năng của bản làng, mở ra những cơ hội mới cho bà con trong bản.
5 tiếng đồng hồ di chuyển từ Hà Nội bằng xe ô tô chạy dọc cung đường núi quanh co, xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai (trước sáp nhập là xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) chào đón chúng tôi bằng vẻ đẹp yên bình, xanh mát mắt.
Nằm gọn giữa núi rừng Tây Bắc, bản nhỏ với tên gọi Tông Pắng được ví như một cô gái đẹp vẫn còn đang say giấc ngủ giữa núi rừng. Và có một cô gái dân tộc Tày nhỏ bé đang bắt đầu hành trình đánh thức bản làng, đưa du khách về trải nghiệm và truyền cảm hứng cho các hộ dân trong bản cùng góp phần phát triển du lịch cộng đồng, kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình.
Đi qua những vùng đất khác nhau, được tiếp xúc với bà con dân tộc Tày tại nhiều địa phương, khi đến với bản Tông Pắng, bạn có thể nhận thấy những dấu ấn riêng có của người dân tộc Tày nơi đây. Từ quần áo, trang phục, nếp sản xuất, sinh hoạt thường ngày, tới những nét bản sắc văn hóa còn được gìn giữ trong mỗi nếp nhà.
Là một người trẻ, có cơ hội được rời quê để theo học ngành du lịch và làm hướng dẫn viên nơi phố thị, Hoàng Thị Xới có dịp đi nhiều nơi cả trong nước và các nước lân cận để tìm hiểu, trải nghiệm và cô luôn canh cánh một câu hỏi: "Lâm Thượng quê mình cũng đẹp như bao nơi khác, sao không trở về và biến nó thành điểm đến?". Đó cũng chính là động lực để Xới quyết tâm theo đuổi ước mơ làm du lịch cộng đồng, bằng cả tâm huyết và đam mê của tuổi trẻ, để giúp du khách trong, ngoài nước có thể "chạm" được vào văn hóa của dân tộc Tày Lâm Thượng quê hương cô.
Hoàng Thị Xới chăm chút cho Xoi Farmstay
Từ nếp nhà sàn của gia đình, giữ nguyên hồn cốt của kiến trúc Tày, năm 2017, Hoàng Thị Xới bắt đầu vận hành Xoi Farmstay.
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa tái đầu tư, đến nay, Xới đã gây dựng được một farmstay khá bề thế, với 5 ngôi nhà sàn nhỏ riêng biệt nằm hướng trọn tầm nhìn ra bờ suối và một khu nghỉ dưỡng được xây dựng hiện đại hơn, phục vụ nhu cầu của những du khách thích sự tiện nghi.
"Dù có cải tạo, xây dựng hiện đại, tôi vẫn giữ những nét văn hóa bản sắc của dân tộc, đó là những chiếc mái lá cọ, là những đồ dùng, vật dụng thân thiện với môi trường, những món ăn mang đậm bản sắc núi rừng hay đơn giản, chỉ là một chiếc nón lá truyền thống của phụ nữ Tày được sắp đặt có điểm nhấn trong không gian trang trí. Từ khi bắt đầu tới nay, tôi luôn kiên định với triết lý: du lịch không thể tách rời văn hóa", Hoàng Thị Xới tâm sự.
Tôi không muốn khách chỉ đến rồi chụp vài tấm ảnh, mà muốn họ sống như người Tày thật sự, để khi rời đi, họ mang theo một phần ký ức của bản làng.
Những nếp nhà giữ trọn nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày ở Lâm Thượng
Ước mơ lan tỏa, tạo nên sức mạnh cộng đồng
Từ vài lượt khách lẻ tẻ những ngày đầu, Xoi Farmstay đã thu hút hàng trăm lượt khách mỗi năm. Chỉ riêng năm 2024, hơn 500 người đã tìm đến Lâm Thượng để sống chậm, để trải nghiệm, để hiểu thêm về cuộc sống, bản sắc của người dân tộc Tày nơi đây.
Nhưng điều khiến cô gái Tày Hoàng Thị Xới cảm thấy hạnh phúc không chỉ là số lượng khách, mà là những đổi thay đang lặng lẽ lan tỏa từ nếp nhà sàn của gia đình mình.
Bà Hoàng Thị Huệ (một người hàng xóm của Xới) cho biết, từ khi có khách du lịch đến bản, bà con có ý thức gìn giữ cảnh quan môi trường xung quanh để xanh, sạch đẹp hơn. Những bộ trang phục dân tộc cũng được bà con duy trì mặc thường ngày, không mặc những trang phục "hiện đại" như nhiều bản làng khác. Nhiều phụ nữ trong bản bắt đầu khôi phục lại các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, hát then, đàn tính, biểu diễn văn nghệ... Bản thân bà Hoàng Thị Huệ cũng kiếm thêm được thu nhập từ các buổi hướng dẫn đan nón lá cọ, đan giỏ... để du khách trải nghiệm và mua sản phẩm về làm đồ lưu niệm.
Phụ nữ dân tộc Tày tại Lâm Thượng khôi phục lại nghề truyền thống để du khách có thêm trải nghiệm
Không chỉ vậy, những người đàn ông trong bản cũng bắt đầu tìm hiểu về cách làm du lịch cộng đồng; lớp trẻ quan tâm đến việc học ngoại ngữ để giao tiếp với du khách nước ngoài... Làn gió làm du lịch cộng đồng dường như đang được lan tỏa trong bản nhỏ, tạo động lực để nhiều hộ học hỏi và thắp lên ước mơ phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình như gia đình của Hoàng Thị Xới.
Du khách khám phá, "chạm" vào văn hóa của người dân tộc Tày tại Lâm Thượng
Xới chia sẻ, thông qua du lịch cộng đồng, cô muốn kết nối, mở rộng các hộ trong bản và khu vực lân cận cùng tham gia vào các hoạt động đón tiếp khách, giới thiệu các hoạt động truyền thống của người dân tộc Tày, để tạo thành một hệ sinh thái du lịch mang đận chất bản địa. Cô mong muốn, du lịch tại địa phương không chỉ dừng lại ở một ngôi nhà, mà là một cộng đồng cùng nhau gìn giữ, cùng nhau phát triển, cùng nhau đánh thức những tiềm năng của bản làng, để đánh thức thung lũng Lâm Thượng đang còn ngủ quên giữa núi rừng Tây Bắc.