Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương

Little Mai Chau Homestay của cô gái dân tộc Thái

Những năm gần đây, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những loại hình như: Du lịch cộng đồng, homestay, du lịch văn hóa nổi tiếng ở vùng Tây Bắc.

Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu (Sơn La) và Quan Hóa (Thanh Hóa), thung lũng Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) là điểm đến của hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá cuộc sống của người dân bản địa.  Mai Châu vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch và phượt thủ bởi vẻ đẹp thơ mộng, không khí trong lành mát mẻ, văn hóa đa dạng, phong phú và nét ẩm thực đặc trưng. 

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 1.

Little Mai Chau Homestay

Để có được sự thừa nhận của du khách, phải kể sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như người dân bản địa. Trong đó, có chị Hà Thị Hường (SN 1988, xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).

Là người con của đồng bào dân tộc Thái, ngay từ nhỏ, chị Hường đã chứng kiến và trải qua cuộc sống khó khăn của người dân trong bản làng. Vì thế, chị Hường luôn khát khao làm giàu trên chính quê hương mình. 

 Sau khi tốt nghiệp THPT, Hường đi học khoa Tiếng Anh, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Trong thời gian trên ghế giảng đường, cô nữ sinh dân tộc Thái luôn nỗ lực học tập, đồng thời tranh thủ học hỏi, tiếp thu kiến thức thực tế qua giao lưu, học hỏi. 

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Little Mai Chau Homestay

Năm 2011, Hường ra trường. Đây cũng là thời điểm huyện Mai Châu phát triển mạnh ngành du lịch. Vì thế, Hường xin làm hướng dẫn viên du lịch cho các khách sạn tại địa phương, lễ tân, quản lý nhà hàng để tích lũy kinh nghiệm. Sau 7 năm, cô đã có kinh nghiệm làm việc và tham gia các lớp về du lịch cộng đồng, nắm bắt được tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Cô cũng hiểu được giá trị của du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương, nâng cao thu nhập cho bản thân và người dân bản địa.

Sau khi chuẩn bị các nguồn lực, tháng 6/2017, chị Hường xây dựng ý tưởng và vay vốn mở homestay với tên gọi Little Mai Chau Homestay.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 3.

Chị Hà Thị Hường (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách

Chia sẻ về ý tưởng này, chị Hường cho biết, xã Nà Phòn chủ yếu là người dân tộc Thái chiếm 99%, sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Xã còn là cái nôi lưu giữ nghề dệt truyền thống. Do vậy, để phát triển được nghề làm du lịch cần có hướng đi riêng.

Hường xác định, khách hàng mục tiêu là khách nước ngoài trẻ, đến từ các nước châu Âu, phân khúc bình dân. Hường đã xây dựng mạng lưới cũng như hệ thống đặt phòng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử chứ không qua công ty, văn phòng du lịch.

 Sau 6 tháng mở cửa, homestay của chị đạt được tỷ lệ đặt phòng cao. Năm 2019, doanh thu tiền phòng chưa tính các dịch vụ đi kèm đạt trung bình trên 51 triệu đồng/tháng, cả năm đạt trên 620 triệu đồng. Với những thành quả ban đầu, chị mở rộng thêm cơ sở vật chất, tổng cộng gồm 2 nhà sàn và 6 bungalow.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 4.

Cánh đồng lúa Mai Châu

Quảng bá truyền thống địa phương

Hường cho biết, Mai Châu là nơi có nền văn hóa lâu đời của dân tộc người Thái, với lối sống đặc trưng riêng, từ trang phục, lối canh tác và nhà sàn. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm truyền thống là tinh hoa của người dân tộc Thái nơi đây. Vì thế, thông qua hoạt động kinh doanh của mình, chị Hường còn tìm cách quảng bá văn hóa của địa phương.

Chị Hường cho biết, đối với nghề dệt truyền thống ở Nà Phòn, các sản phẩm thổ cẩm rất đẹp nhưng chưa được quan tâm quảng bá. Cùng với đó là sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc giá rẻ, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người trẻ không mặn mà với nghề dệt truyền thống. Mặt khác, thanh niên trong bản đến tuổi lao động đi các khu công nghiệp làm công nhân thu nhập không ổn định.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 5.

Du khách nước ngoài đến Little Mai Chau Homestay

Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mong muốn được tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Thái bản địa, chị Hường xây dựng các tour du lịch như: Đạp xe khám phá bản Nhót kết hợp trải nghiệm dệt thổ cẩm, cooking class hướng dẫn khách làm cơm lam, workshop đan vòng đeo tay...

Cũng từ homestay của mình, chị quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng nước ngoài, qua đó nhiều khách hàng biết, ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm của Nà Phòn. Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị xây dựng một nhóm sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống trong bản.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 6.

Du khách trong nước đến Little Mai Chau Homestay và trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Bản Lác

Năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khách nước ngoài. Chị Hường mở rộng quảng bá trên các trang mạng xã hội góp phần thu hút khách nội địa. Do vậy, doanh thu vẫn đạt trên 500 triệu đồng mỗi năm. 

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 7.

Du khách tham dự tiệc nướng ngoài trời tại Little Mai Chau Homestay

Tháng 3/2022, ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, khách du lịch nước ngoài cũng bắt đầu đến với Nà Phòn. Cùng với việc quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm được được duy trì, doanh thu từ du lịch và bán sản phẩm dệt thổ cẩm tăng trưởng đều qua các tháng.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 8.

Du khách tìm hiểu nông sản địa phương

Tính đến hết tháng 8/2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và bán hàng thổ cẩm đạt 530 triệu đồng. Hiện tại, homestay của chị có 3 lao động, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, chị cộng tác với 5 lao động không thường xuyên làm hướng dẫn, đi tour theo ngày, các thợ dệt khoán tính công theo sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Hướng đến du lịch bền vững

Ông Đinh Đức Lân, Bí thư Huyện uỷ Mai Châu cho biết, Mai Châu là huyện miền núi của tỉnh Hòa BÌnh. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 40 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn khoảng 23%. Đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 9.

Du lịch cộng đồng ở Mai Châu

Thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền huyện Mai Châu đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Hiện nay, huyện đã có gần 20 dự án du lịch, hiện có một số khu du lịch chất lượng tốt như: Avana Resort, Mai Châu Lodge, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan Village Resort, Mai Chau Hideaway Resort... Nhiều điểm du lịch cộng đồng tại các xã: Chiềng Châu, Nà Phòn, Sơn Thủy, Hang Kia, Pà Cò. Ngoài ra, địa phương cũng đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp như su su, vịt cổ xanh, tỏi tía Mai Châu, khoai sọ Phúc Sạn cùng với các ngành nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 10.

Du khách tổ chức đốt lửa trại tại Little Mai Chau Homestay

Thời gian tới, huyện Mai Châu tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế, xây dựng quy hoạch, tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, ưu tiên nguồn lực thích hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, các khu resort nghỉ dưỡng, trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.

Cô gái trẻ dân tộc Thái làm homestay, quảng bá văn hóa địa phương - Ảnh 11.

Little Mai Chau Homestay đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, định hướng cơ sở kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Từ đó, phát huy giá trị văn hóa vùng miền xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng hình ảnh du lịch Mai Châu thân thiện, hài lòng, mang lại tâm lý thoải mái cho du khách, ông Lân chia sẻ.