pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cô giáo của những cánh Sao Mai"
Nhà giáo, thạc sĩ Phạm Thị Kim Thoa
Không theo nghề ca sĩ chuyên nghiệp, gương mặt sáng sân khấu ấy đã lựa chọn trở thành người dẫn dắt thế hệ nghệ sĩ tương lai. Vừa qua, cô được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao Bằng khen cho những cống hiến của mình đối với ngành giáo dục nghệ thuật.
Nhà giáo, thạc sĩ Phạm Thị Kim Thoa là giảng viên chuyên ngành Thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TPHCM. Cô sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, nơi sinh ra các giọng ca nổi tiếng như cố NSNT Lê Dung, NSND Quang Thọ; NSƯT Hoàng Tùng; Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Anh, Hồ Quỳnh Hương…
Nối tiếp truyền thống đó, với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, chị đã được đặc cách vào học và tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chuyên ngành Biểu diễn Thanh nhạc. Tiếp sau đó, chị còn trau dồi kiến thức âm nhạc và kỹ năng sư phạm của mình khi tốt nghiệp tiếp chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học tại đây.
Năm 2016, Kim Thoa bắt đầu sự nghiệp giảng dạy chính thức tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Năm 2022, cô chuyển về công tác tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM.
Là giảng viên trực tiếp giảng dạy chuyên môn và hướng dẫn thành công nhiều học trò trong các cuộc thi âm nhạc như Quán quân Sao Mai toàn quốc 2019 Trương Thùy Dương; Quán quân Sao Mai miền Nam dòng nhạc dân gian Nguyễn Thị Hiếu; Quán quân Hãy nghe tôi hát mùa 3 Ngô Thái Bảo; Quán quân Giọng ca âm nhạc năm 2024 Khúc Hoàng Hà My; Á quân Giọng ca âm nhạc 2024 Nguyễn Thị Hiền,… Kim Thoa còn được các học trò và đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật "Cô giáo của những cánh Sao Mai".
Thiết tha cống hiến cho ngành giáo dục nghệ thuật
Tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, Thạc sĩ Phạm Thị Kim Thoa đã cống hiến nhiều cho ngành nghệ thuật, đặc biệt là phương pháp giảng dạy trực quan đã đưa chị chạm tới những danh hiệu cao quý của nhà giáo.
Phương pháp trực quan hóa trong giảng dạy nghệ thuật là việc sử dụng hình ảnh, biểu đồ, video, mô hình, hoặc các hình thức biểu diễn sinh động khác để hỗ trợ người học hiểu và cảm thụ các nội dung liên quan đến nghệ thuật. Đây là một phương pháp hiệu quả nhằm kích thích tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng và tăng sự hứng thú của người học.
"Lợi ích của phương pháp trực quan hóa là nâng cao khả năng ghi nhớ. Hình ảnh và hoạt động trực quan giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ thông tin. Tiếp đến là khơi gợi cảm xúc và sự sáng tạo, tăng tính tương tác, giúp người học tự tin bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ qua nghệ thuật. Cùng với đó, sinh viên có thể phát triển tư duy đa chiều. Sinh viên được rèn luyện cách nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ. Phương pháp trực quan hóa bài giảng nghệ thuật không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn khuyến khích người học yêu thích và tìm tòi, sáng tạo thêm về nghệ thuật", Kim Thoa chia sẻ.
Trong quá trình giảng dạy, cô không ngừng nâng cấp bài giảng, điều chỉnh các phương pháp dạy để đạt được hiệu quả cao nhất, khi bản chất của văn hóa nghệ thuật luôn luôn đổi thay theo sự phát triển chung của xã hội.
Cô khẳng định: "Việc nâng cấp bài giảng qua thời gian là một quá trình cần thiết và liên tục để đáp ứng sự thay đổi của cả môi trường giáo dục nghề nghiệp lẫn nhu cầu học tập của người học. Muốn làm được điều đó, giảng viên sẽ thường xuyên phải cập nhật nội dung; thêm kiến thức mới, đặc biệt là những thành tựu hoặc xu hướng hiện đại trong lĩnh vực liên quan. Loại bỏ những phần kiến thức lỗi thời hoặc không còn phù hợp. Chuyển từ giảng dạy thụ động (giảng viên trình bày, sinh viên lắng nghe) sang các phương pháp chủ động như thảo luận, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề".
Cùng với đó là sử dụng các công cụ trực quan và công nghệ hỗ trợ như slide, video minh họa, phần mềm tương tác, đưa vào bài giảng thực tế và ứng dụng. Kết nối kiến thức lý thuyết với các tình huống thực tiễn hoặc các dự án thực tế để sinh viên hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của bài học. Mời các chuyên gia trong ngành đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoặc tổ chức các buổi học ngoại khóa. Tăng cường sự tương tác, khuyến khích người học tham gia xây dựng bài giảng thông qua các câu hỏi, ý kiến phản biện, hoặc đóng góp nội dung. Tạo môi trường học tập thoải mái để người học không ngại đặt câu hỏi hay đưa ra ý kiến, tiếp thu phản hồi từ sinh viên,…
"Qua phương pháp có thể thu thập ý kiến phản hồi để đánh giá bài giảng và điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt là chú ý phản ứng của sinh viên thế hệ mới, gen Z. Sinh viên ngày nay thường rất nhanh nhạy với công nghệ và thích những bài giảng sinh động, thực tế. Những cải tiến trong bài giảng, nếu được thực hiện đúng cách, thường nhận được phản hồi tích cực như: Hứng thú hơn, chủ động hơn, phản hồi tích cực. Tuy nhiên, cũng có những thách thức, như việc sinh viên có thể cảm thấy "quá tải" nếu bài giảng chứa quá nhiều nội dung mới hoặc yêu cầu cao hơn về sự chuẩn bị. Vì vậy, việc nâng cấp cần được thực hiện có kế hoạch và điều chỉnh phù hợp với từng nhóm đối tượng người học", nữ giảng viên tâm huyết nói.
Là một nhà giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, Thạc sĩ Kim Thoa rất quan tâm và trăn trở tới sự phát triển toàn diện về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Bởi vậy, cô khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Nhà trường đào tạo thêm nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ đa năng, nhiệt huyết, mạnh dạn trong sáng tạo và đổi mới; phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội mà vẫn đáp ứng trọn vẹn yêu cầu "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Nhà giáo, thạc sĩ Phạm Thị Kim Thoa từng đạt giải Tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh 2011; Giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội 2011; Giải Nhất Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp TPHCM 2023; Giải Nhất Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2024.