Cô giáo trên xe lăn dạy miễn phí tiếng Anh cho trò nghèo

14/07/2017 - 07:15
Trong lớp học của mình, cô giáo Lê Thị Hồng Yến (SN 1984, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ngồi trên chiếc xe lăn. Ít ai biết rằng, để hàng ngày dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò nghèo như hôm nay, Yến đã trải qua không ít đắng cay.
co-giao-tren-xe-lan2.jpg
Cô giáo Lê Thị Hồng Yến 
Hôm ấy, lớp học tiếng Anh của cô giáo Lê Thị Hồng Yến trên đường Nguyễn Công Phương vẫn đông như mọi ngày. Chị ngồi trên chiếc xe lăn, cánh tay trái còn cử động được đưa lên đưa xuống để phụ họa cho bài giảng như một diễn giả đứng trước công chúng.

Ít ai nghĩ, một người di chuyển khó khăn trên chiếc xe lăn như Yến lại quản nổi nhiều lớp học tiếng Anh, từ lớp 3 đến lớp 9, với hơn 120 học sinh.

Khi đến lớp học của Yến, học sinh được nghe những câu chuyện về nghị lực sống của nhiều người khuyết tật nổi tiếng trên thế giới. Tất cả được Yến kể bằng tiếng Anh, chính điều này đã giúp học trò càng yêu thích lớp học của Yến.

Nguyễn Duy Cường, học sinh lớp 5H trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi), cho biết, em vẫn nhớ những bài học vỡ lòng về nghị lực sống của cô Yến. “Không dễ gì tụi em có thể học được bài học từ chính người đã vượt qua bất hạnh của cuộc đời mình truyền đạt lại”, Cường chia sẻ.
 
Chia sẻ về “chiêu” quản học trò của mình, cô Lê Thị Hồng Yến cho biết: “Tôi truyền cho các em những suy nghĩ đúng với từng lứa tuổi. Đó là sự chăm ngoan, chơi đúng chỗ và biết tôn trọng những người xung quanh. Có nhiều em cũng nghịch ngợm nhưng sau buổi nói chuyện thì vào lớp đã biết chào cô, chào các bạn và rất ngoan”, Yến tâm sự.

“Ba là đôi chân của con”

Mùa hè năm 1985, khi Yến vừa tròn 14 tháng tuổi, gia đình nhận được hung tin từ bác sĩ là Yến sẽ vĩnh viễn không đi đứng và tự cầm bất kỳ vật gì được bởi chị đã bị liệt tứ chi sau một ca sốt thập tử nhất sinh. Không được chứng kiến con tập bò, tập đi như bao đứa trẻ khác, cha mẹ Yến dốc hết tình yêu thương để bù đắp cho con.

May thay, thời gian sau đó, Yến tự vận động, cố nhích cánh tay của mình rồi tay trái cũng cầm nắm được.
Khi Yến lên 6 tuổi, cô ngồi trước cửa nhìn các bạn cùng lứa đến trường và nói: “Má ơi, con muốn đi học”.

Nghe con nói, bà Trần Thị Hồng Cúc (SN 1954, mẹ của Yến) nửa mừng nửa tủi, lo lắng con có thể bị đánh gục bởi những suy nghĩ non nớt khi bạn bè chọc ghẹo. Nhưng làm sao một mong ước bình thường đến vậy lại có thể bị chối từ?
a2.JPG
Lớp học tiếng Anh của cô giáo Yến

Từ đó, ông Lê Cao Trung (SN 1953, cha của Yến) miệt mài đưa con đến lớp suốt 12 năm, bất kể ngày mưa nắng. Gắn chặt vào lưng cha trên đường đi học, nhiều lần Yến ghé vào tai ông thủ thỉ: “Ba ơi ba phải luôn khỏe nhé, vì ba là đôi chân của con”.

Khi Yến học lớp 10, cô được một người bạn của mẹ tặng cuốn sách “Tôi không bất hạnh” của Hirotada Ototake. Tác giả cuốn sách là một chàng trai bị bại liệt tứ chi bẩm sinh, trở thành một thầy giáo tiểu học ở Toyko và là một nhà văn viết tự truyện danh tiếng ở Nhật Bản. Số phận của thầy giáo Hirotada Ototake và cách anh đương đầu với nó để vươn lên đã truyền cho Yến nguồn cảm hứng và động lực lớn lao.
 
“Tôi sẽ làm những việc tôi có thể, sống cuộc đời mà số phận đã cho, không trách móc hay chờ đợi sự thương xót của cộng đồng”, Yến kể về điều cô rút ra cho mình sau khi đọc cuốn sách của thầy giáo Hirotada Ototake.

Như một sự bù đắp của tạo hóa, Yến có đôi bàn tay tài hoa. Từ nhỏ, cô đã say mê những nét vẽ, sắc màu. Tốt nghiệp THPT, Yến chọn một trường cao đẳng mỹ thuật để theo đuổi ước mơ. Vì trường ở xa nhà, cô lại không thể sống một mình nên dự định ấy đành gác lại. Yến tiếp tục thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi với số điểm gần thủ khoa.

Tuy nhiên, một lần nữa cánh cửa giảng đường khép lại, bởi trường không tiếp nhận sinh viên khuyết tật vào ngành Sư phạm.

Sau những gì con mình trải qua, vợ chồng bà Cúc liệt kê vài khóa học tin học, tiếng Anh và cho Yến theo học để cô khuây khỏa. Vốn liếng trau dồi tiếng Anh trong thời gian này đã trở nên hữu ích khi một người họ hàng nhờ cô dạy kèm cho con.

May mắn đến với cô khi năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế mới, tạo điều kiện cho thí sinh khuyết tật vào đại học. Nhờ đó, Yến được tuyển thẳng vào trường Đại học Phạm Văn Đồng (tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi) để học ngành tiếng Anh mà cô yêu thích.

Lúc này, người cha lại tiếp tục làm đôi chân cho con mỗi ngày đến lớp. Hình ảnh người cha già cõng cô con gái lớn lên tầng 3, 4 của một trường đại học, rồi từ tốn đặt con xuống ghế, khiến ai thấy cũng rưng rưng. Đến tháng 6/2015, Yến được nhận bằng cử nhân, bắt đầu thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm