pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Come out - Quan trọng là phải tự hào và yêu thương bản thân”
Toạ đàm "Come out - Bước qua ranh giới của định kiến" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức
Come out - hành trình không đơn giản
Là người chuyển giới nữ, hành trình come out của Dương Tú Anh với gia đình rất gian nan. Từ bé Tú Anh có ngoại hình con trai nhưng mang tính cách con gái khi chỉ thích chơi nhảy dây, chơi búp bê. Khi vào tuổi dậy thì, Tú Anh bị bạn bè kỳ thị, gọi là ái nam ái nữ, là "xăng pha nhớt".
Khi biết mình rung động với bạn nam, Tú Anh rất sợ. Bởi lẽ thường nam phải thích nữ. Đằng này nam thích nam nên Tú Anh không biết như vậy có sai không. Khi người bạn trai đó biết Tú Anh thích mình thì ngay lập tức đã kỳ thị Tú Anh. Suốt cả khoảng thời gian đi học, Tú Anh bị kỳ thị học đường. Đi ra ngoài, Tú Anh cũng bị mọi người chế giễu rất nhiều. Tú Anh cảm thấy rất cô độc và phải chịu đựng một mình.
Khi biết Tú Anh có mong muốn trở thành con gái, mẹ Tú Anh bảo cho con đi chữa. Nhưng Tú Anh bảo với mẹ: Mẹ có mất tiền tỉ cũng không thể chữa được cho con đâu. Năm 2015 là bước ngoặt của Tú Anh, là năm Quốc hội bấm nút thông qua dự Luật dành cho người chuyển giới, Tú Anh quyết định come out. Khi được mời come out trên chương trình ti vi đã tạo hiệu ứng rất lớn, cả dòng họ, bạn bè đều biết đến câu chuyện của Tú Anh. Lúc đấy, Tú Anh mới được mẹ chấp nhận con người thật của mình.
Với Trần Thanh Tùng (sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam) thì hành trình come out không quá gian nan khi xã hội những năm gần đây đã cởi mở, khoan dung hơn với những người LGBT. "Em công khai đồng tính trước toàn thể trường hơn 1.000 học sinh. Những kiến thức về người đồng tính, song tính, đồng giới… được chính thức đưa ra từ những người hiểu biết về cộng đồng LGBT. Lần đầu công khai trước nhiều người, em được nhiều bạn lên tiếng ủng hộ, em nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu. Em biết, nhiều học sinh trong hoàn cảnh của em bị phân biệt, đối xử, bị kỳ thị, cô lập. Em có trải qua nhưng ở mức độ nhẹ. Môi trường học đường ở Việt Nam đang dần cởi mở với cộng đồng LGBT. Lần đầu tiên come out, em rất mừng vui, tự hào khi được sống đúng với bản thân mình", Thanh Tùng chia sẻ.
Tính toán để giảm rủi ro và được lợi ích
Xã hội còn nhiều định kiến về cộng đồng LGBT, thế nên việc come out rất cần sự tính toán, anh Lê Quang Bình (Giám đốc Tổ chức ECUE) cho biết. "Thừa nhận tôi đồng tính gặp nhiều bất lợi như bị trêu chọc, bắt nạt, bị ép chữa bệnh, bị đuổi ra khỏi nhà, bị cắt trợ cấp nếu là sinh viên… Chính vì vậy, tiến trình thừa nhận Tôi là tôi là rất khó khăn. Việc come out tùy vào từng cá nhân. Mỗi người sống ở môi trường, hoàn cảnh khác nhau nên những rủi ro khi come out cũng khác nhau. Khi quyết định come out hay không, người đồng tính, chuyển giới cũng cần tính toán mình sẽ gặp rủi ro gì, có lợi ích gì? Rủi ro có thể bố mẹ không thừa nhận, bố mẹ buồn, đau khổ. Con come out đã khó, bố mẹ come out với họ hàng, hàng xóm cũng khó. Lợi ích khi come out là được sống thật với mình, không phải sống trong vỏ bọc. Khi come out thì người thân sẽ gắn bó với mình hơn. Có người bố mất đi vẫn không biết giới tính thật của con, khiến con rất ân hận. Khi come out thì tránh được vấn đề về tâm lý, tránh được việc sợ bị người khác phát hiện ra. Thế nên, khi come out, cần phải tính toán để giảm rủi ro và được lợi ích", anh Lê Quang Bình phân tích.
Dương Tú Anh cho biết, cha mẹ là những người có thể biết về giới tính của con nhưng họ không chấp nhận điều đó. "Kinh nghiệm của mình là nên come out trước với "đồng minh" trong gia đình để lắng nghe ý kiến của họ. Nếu biết cha mẹ cởi mở thì come out luôn. Nếu không cởi mở, phải dần dần, phải tham vấn những người xung quanh… Mình mong muốn được come out từ lúc đi học thì sẽ cảm thấy đỡ bức bối. Điều quan trọng là mình không nên kỳ thị bản thân và làm đau bản thân mình, mình phải tự hào và yêu thương bản thân mình", Dương Tú Anh chia sẻ.
Tọa đàm "Come out - Bước qua ranh giới của định kiến" là một trong một chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam" do Liên minh Châu Âu, Oxfam và Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ và triển khai tại Việt Nam với các đối tác, trong đó có Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Trên thực tế vẫn tồn tại các rào cản, các bất bình đẳng đối với cộng đồng LGBT, trong đó có các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, các định kiến giới, định kiến xã hội. Việc tổ chức tọa đàm là cần thiết và ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức của giảng viên, sinh viên về vấn đề này, cùng các diễn giả trao đổi, thảo luận các giải pháp hỗ trợ người LGBT vượt qua các rào cản giới, rào cản xã hội...