Con 2 tuổi nặng 20kg, mẹ GenZ tự hào vì nuôi “mát tay”, bác sĩ cảnh báo điều tai hại

LÊ PHƯƠNG
23/06/2022 - 14:20
Con 2 tuổi nặng 20kg, mẹ GenZ tự hào vì nuôi “mát tay”, bác sĩ cảnh báo điều tai hại

Ảnh minh họa

Thế hệ GenZ được tiếp cận internet từ trong “trứng nước”, vì thế việc áp dụng công nghệ số để nuôi con không có gì lạ. Tuy nhiên, tất cả thông tin cần chọn lọc kỹ lưỡng, nếu không sẽ mang đến hậu quả khôn lường cho trẻ.

Con béo nhưng không khỏe vì sai lầm nhiều mẹ gặp

Nuôi dưỡng và chăm sóc con trẻ là một hành trình dài, trong đó người mẹ là “kiến trúc sư” chính trong hành trình đó. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều phương pháp, cách nuôi và chăm con được truyền tai, chia sẻ trên mạng, khiến các mẹ như lạc vào “ma trận”. Đặc biệt là với thế hệ tuổi GenZ, sớm được tiếp cận với internet và mạng xã hội thì việc chọn lọc kiến thức nuôi con không hề dễ dàng.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thừa nhận, không ít bố mẹ trẻ hiện nay có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, thế nhưng kiến thức dinh dưỡng lại chưa được trang bị đầy đủ. Thực tế, quá trình thăm khám bác sĩ Hưng gặp không ít trường hợp có nhận thức và thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa hợp lý.

Điển hình như trường hợp một người mẹ 21 tuổi, ở Hà Nội có con gái 24 tháng, nhưng nặng đến 20kg, đến viện khám vì lo ngại bị thừa cân. Trước đó, dù thấy con béo tròn nhưng bố mẹ không lo lắng mà cho rằng đó là “béo khỏe, béo đẹp”. Thậm chí khi được mọi người khen, đôi vợ chồng trẻ còn thấy tự hào vì mình chăm sóc con tốt.

Mẹ bé gái cho biết, hàng ngày cháu uống sữa không biết chán, ăn không biết no. Từ bánh kẹo, thịt xiên, xúc xích, thịt rán… cháu đều ăn được, duy chỉ có rau xanh là hơi “lười” ăn. Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận cháu béo phì độ 3. Khi bác sĩ yêu cầu gia đình phải kiểm soát cân nặng, theo dõi chuyển hóa thì bố mẹ mới thay đổi suy nghĩ béo khỏe, béo đẹp.

Nhiều mẹ thấy con núng nính lại tự hào vì mình chăm tốt mà không biết trẻ thừa cân có thể đối diện với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

Cử nhân dinh dưỡng Phan Thị Hoa - Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng chia sẻ, phòng khám dinh dưỡng của bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp người mẹ genZ học theo hướng dẫn trên mạng, chỉ xay hạt óc chó và các loại hạt khác cho con ăn mà không bổ sung cân đối các thực phẩm khác. Kết quả, trẻ có tăng cân, nhưng lại thiếu nhiều vi chất khác. Trường hợp này sau khi thăm khám đã được tư vấn điều chỉnh chế độ ăn khoa học, hợp lý hơn.

Bắt chước công thức chăm con rất nguy hiểm

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, tình trạng chăm con theo công thức trên mạng, kinh nghiệm truyền tai không phải là mới, điều này đã được các chuyên gia dinh dưỡng chính thống cảnh báo từ lâu. Nhất là các bà mẹ tuổi GenZ, được tiếp cận mạng xã hội từ trong “trứng nước”, khi lập gia đình, sinh con họ sẵn sàng áp dụng “công nghệ số” để nuôi con.

Điều đó được thể hiện qua việc, các mẹ tìm hiểu những kiến thức trên mạng, cắt ghép các thông tin rồi ứng dụng vào việc nuôi con. Nhiều mẹ học theo phương pháp nuôi con nổi tiếng như của Nhật hay của người Do Thái. Rõ ràng nhất là việc lạm dụng thiết bị điện tử để chăm con, trông con. Điển hình như việc đến bữa ăn là bố mẹ mở điện thoại cho con xem. Hay để đỡ phải trông con, các cha mẹ sẵn sàng mở TV cho con ngồi im một chỗ. Không ít mẹ ở tuổi GenZ cai sữa sớm cho con vì sợ xấu, hỏng ngực… Tất cả những cách nuôi con như vậy đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Chế độ ăn của trẻ ở Nhật Bản đầy đủ về nhóm chất, đa dạng về thực phẩm nên trẻ phát triển rất toàn diện, không bị thiết chất, nhất là các vitamin và khoáng chất. Ảnh minh họa

Bác sĩ Hưng lấy ví dụ về việc các mẹ thế hệ GenZ học cách chăm con kiểu Nhật, tuy nhiên việc làm theo công thức này lại không đến nơi, đến chốn.

Là người đã nghiên cứu, học tập ở đất nước mặt trời mọc, bác sĩ Hưng cho biết ở Nhật họ nuôi con rất chú trọng về sự cân bằng, đa dạng các chất trong một khẩu phẩn ăn. Khẩu phần ăn của trẻ được lên thực đơn, tính toán cụ thể các chất có trong đó sao cho phù hợp với nhu cầu của một đứa trẻ. Hơn thế nữa, ở Nhật khi cho trẻ ăn sẽ hướng cho trẻ tập trung tối đa vào bữa ăn, chứ không xem điện thoại hay thiết bị điện tử.

Còn tại Việt Nam, nuôi con theo kiểu Nhật nhưng sự đa dạng trong thực phẩm còn rất hạn chế. Chất lượng thực phẩm cũng không đảm bảo, chưa kể hàm lượng dinh dưỡng trong đó chưa chắc đã đạt yêu cầu. Ngoài ra, không ít bố mẹ Việt thấy xót khi con không ăn nên sẵn sàng giơ điện thoại cho con xem để trẻ ăn được nhiều hơn.

Đa số thực đơn các mẹ Việt áp dụng nuôi con theo kiểu Nhật chỉ chú trọng vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật là chính. Ảnh minh họa

PGS.TS.BS Nguyễn Thi Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thực chất phương pháp nuôi con theo kiểu Nhật là tốt, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, nhiều mẹ chỉ học được cái vỏ bọc bên ngoài, mà không có kiến thức dinh dưỡng.

“Rất nhiều người nuôi con theo kiểu Nhật là cho con tự ăn, ăn chủ yếu các loại củ quả. Còn phương pháp của Nhật là ăn đa dạng từ nhóm rau xanh, củ quả, các loại hạt, đến nhóm thực phẩm từ động vật… 

Chế độ ăn hàng ngày họ còn bổ sung phô mai, chất béo, cùng với đó là các loại rong biển, trái cây. Vì thế, trẻ ở Nhật nuôi theo phương pháp đó thì phát triển cân đối, khỏe mạnh. Còn tại Việt Nam, đa phần các mẹ khoe nuôi con theo phương pháp Nhật đều bị suy dinh dưỡng, vì không biết sắp xếp, lựa chọn thực phẩm”, PGS Lâm chia sẻ.

Bố mẹ genZ cũng “ham học”, cầu thị khi nuôi con

Bác sĩ Hưng cho biết, dù nhiều bà mẹ trẻ thích học theo trên mạng rồi áp dụng phương pháp nuôi con theo kiểu tự phát, không kiểm chứng nhưng cũng không ít người rất cầu thị, ham học hỏi kiến thức chính thống khi nuôi con.

Bằng chứng rõ nhất là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, khi bác sĩ công khai số điện thoại để tư vấn cho các mẹ về cách chăm sóc dinh dưỡng khoa học thì rất nhiều phụ huynh GenZ đã gọi tới hỏi cách chăm con thế này đã đúng chưa, cần bổ sung chất gì để tăng đề kháng cho trẻ… Hay khi thấy một thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, để kiểm chứng nguồn tin, độ chính xác trước khi áp dụng, một số bà mẹ trẻ cũng tìm tới bác sĩ để được tư vấn trước khi áp dụng với con mình.

Bác sĩ Hưng cho rằng, việc áp dụng công nghệ số nuôi con là cần thiết, nhưng phải biết chọn lọc thông tin

Theo bác sĩ Hưng, trong thời đại công nghệ số, các mẹ chăm con nếu biết tận dụng thì đó sẽ là kênh thông tin hữu ích, phụ trợ rất nhiều cho việc nuôi con. Ngược lại, nếu lạm dụng, không kiểm chứng thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường với trẻ nhỏ.

“Sự nhanh nhạy của các mẹ thể hiện qua việc, khi con gặp vấn đề có thể nhắn ngay qua các nền tảng mạng xã hội để hỏi bác sĩ trước khi đi khám. Ngoài ra, các bà mẹ hiện đại cũng không tiếc thời gian, công sức, thậm chí tiền bạc sẵn sàng tham gia các khóa đào tạo, tư vấn về cách chăm con khoa học. Điều này trước đây dường như không xuất hiện. Đó chính là tín hiệu đáng mừng và hy vọng sẽ có nhiều bà mẹ nói chung và các mẹ tuổi GenZ nói riêng thực hiện”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Không chỉ GenZ, thời nào nuôi con cũng phải tuân thủ nguyên tắc

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, dù là thế hệ GenZ hay là những thế hệ 8X, 9X, thậm chí là trước đó đều có những điểm hạn chế mà chúng ta cần khắc phục, mục đích là để đứa trẻ phát triển được toàn diện nhất và sẽ có một thế hệ tương lai khỏe mạnh.

Trước đây, khi chưa có internet, các mẹ nuôi con chủ yếu theo kinh nghiệm và bản năng, thậm chí dinh dưỡng cũng không có đầy đủ vì thời điểm đó còn khó khăn. Trong cách thực hành nuôi con, điểm khác biệt dễ thấy nhất là ngày nay, hầu như không mẹ nào còn nhai cơm rồi bón cho con ăn - một thói quen xấu rất dễ gặp ở các thế hệ trước. 

Thế hệ GenZ hiện nay hầu như luôn nuôi con theo cách riêng, có thể sẵn sàng tìm tòi nhiều thông tin trên mạng, trong nước và nước ngoài rồi áp dụng nhưng lại bỏ ngoài tai những lời khuyên của những người xung quanh, thế hệ trước, dù là rất có ích.

Tình trạng vừa cho con ăn, vừa xem điện thoại rất phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa

“Vẫn biết rằng, dù áp dụng hay học theo cách nào thì các mẹ vẫn luôn mong điều tốt nhất đến với con mình. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên bằng chứng khoa học và sự thích ứng của từng đứa trẻ. Tuyệt đối không nên lấy chính con mình ra làm phép thử”, bác sĩ Hưng khuyên.

Theo bác sĩ Hưng, áp dụng chế độ dinh dưỡng, nhất là với trẻ nhỏ, là một quá trình dài, cần phù hợp với từng lứa tuổi chứ không thể nhanh, đi tắt. Dù bất cứ thế hệ nào, nuôi con cũng phải tuân thủ nguyên tác như trẻ nhỏ cần phải được bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú cho đến khi đến 2 tuổi.

Bắt đầu thời kỳ trẻ tập ăn, mỗi lứa tuổi sẽ có những hướng dẫn cụ thể để trẻ ăn phù hợp với hệ tiêu hóa đang còn non nớt, chưa phát triển toàn diện. Trong quá trình chăm sóc dinh dưỡng, điều phụ huynh đặc biệt lưu ý là phải cho trẻ ăn đầy đủ, cân đối và đa dạng 4 nhóm chất đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Ngoài vấn đề trên, phụ huynh cho trẻ ăn đúng giờ, không cho trẻ ăn nhiều trước khi đi ngủ tối, không dự trữ nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng ở nhà như pho mát, bơ, bánh kẹo, kem, nước ngọt, bim bim…

Thêm vào đó, nên khuyến khích và cùng trẻ tập thể dục thể thao, rủ trẻ cùng giúp làm việc nhà, đi ngủ đúng giờ… Đồng thời, nên đi đến gặp các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên tốt nhất. Tuyệt đối, không học theo các phương pháp nuôi con không chính thống trên mạng xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm