Hướng cho con trai lớp 9 thi chuyên nên chị Hải Minh bàn với chồng cũ tìm giáo viên giỏi cho con. Rất may, qua bạn bè của mình, anh mau chóng quen thân được thầy giáo dạy giỏi có tiếng của quận, chỉ mở lớp dạy cho học sinh thi vào lớp 10 chuyên ở Hà Nội.
Gửi con vào học, chị Hải Minh vô cùng yên tâm. Thời gian đầu, nghe thầy thường xuyên phản hồi rằng con học tốt, có ý thức và tập trung, chịu khó làm bài tập ở nhà, chị Hải Minh rất kỳ vọng vào con. Đúng là có giáo viên dạy thêm là người quen, lại là thầy giáo dạy giỏi, chẳng có gì tốt hơn. Có thầy sát sao chỉ bảo, bố mẹ không phải lo lắng gì nhiều.
Thế nhưng, thời gian tốt đẹp đó chỉ kéo dài được 4 tháng đầu. Sau đó, thấy con trai thỉnh thoảng phàn nàn rằng không thích cách dạy của thầy, thầy dạy quá nhanh, con không theo kịp, chị Hải Minh chỉ biết động viên con phải cố gắng hơn nữa. Thế nhưng, càng học cậu càng thấy chương trình thi chuyên rất khó so với khả năng của cậu. Chị Hải Minh thường xuyên nhắc nhở con phải chịu khó làm bài tập. Chỉ có cách ấy mới có thể theo kịp được cách dạy của thầy.
Thấy con trai dè dặt xin mẹ nghỉ học thêm để tập trung cho kỳ thi vào lớp 10 trường THPT công lập nhưng chị Hải Minh không đồng ý. Chị cho rằng con chưa thực sự nỗ lực dù bố mẹ đã đầu tư không ít tiền bạc vào việc học thêm cho con. Con trai chị lại cặm cụi đi học thêm trong sự miễn cưỡng.
Dịp đó, thỉnh thoảng chị lại nhận được điện thoại của thầy giáo phản ánh về việc học thiếu tập trung của con, thậm chí nhiều hôm còn đến học muộn nửa tiếng. Nghe thầy giáo nói như vậy, chị vô cùng tức giận. Chị quát mắng và chì chiết con rất nhiều. Bởi, chị đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào con.
Đợi mẹ bình tĩnh, cậu con trai mới ngồi nói chuyện với mẹ. Cậu không thích phương pháp dạy của thầy, thầy chỉ lướt qua kiến thức cơ bản mà giao luôn những bài tập khó khiến cậu không theo kịp. Ngoài ra, có một chuyện mà cậu không thích ở thầy, đó là thầy làm cậu bẽ mặt với các bạn cùng lớp học thêm. Điều đó chạm vào lòng tự trọng, sĩ diện của cậu con trai mới lớn.
Khi mẹ hỏi mãi thì cậu mới ấp úng tiết lộ. Thì ra, biết hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, bố lại lấy người vợ sau kém nhiều tuổi, thầy đã “nửa đùa nửa thật” trêu cậu: Cố mà học giỏi để sau này giàu có rồi lấy được vợ trẻ như bố ấy; Không học giỏi thì thằng em khác mẹ nó hưởng hết gia tài của bố đấy…
Cậu tức giận cho biết: Thầy làm con vô cùng xấu hổ với các bạn. Thầy lấy chuyện riêng tư của gia đình mình để trêu chọc con, con không thể chấp nhận được. Chính vì cách “tếu táo” của thầy không tế nhị nên con đã phản ứng bằng việc đến muộn nửa tiếng. Con muốn mẹ tìm cho con giáo viên khác, tốt nhất là không quen không thân với bố mẹ.
Nghe lý do con nói, chị lập tức đồng ý cho con nghỉ học thêm ở đó.