Còn nhiều vướng mắc để khơi thông tín dụng xanh

Minh Anh
04/12/2023 - 20:19
Còn nhiều vướng mắc để khơi thông tín dụng xanh

Hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" diễn ra ngày 4/12

Hướng tới nền kinh tế xanh, việc thúc đẩy tín dụng xanh bước đầu đã ghi nhận nhiều thành quả. Song, nhu cầu vốn tín dụng xanh còn lớn, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế tồn tại cản trở quá trình khơi thông.

Theo báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới.

Bước đầu đạt được nhiều thành quả tích cực trong thúc đẩy tín dụng xanh

Để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, tín dụng xanh đóng vai trò là một trong những yếu tố tất yếu.

Với tầm quan trọng đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tại hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh", bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trường Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến hết tháng 9, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Vẫn còn nhiều vướng mắc để tín dụng xanh khơi thông- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, phát biểu tại hội thảo

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank chia sẻ, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Còn tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn cho biết, HSBC đã là cầu nối dẫn vốn xanh vào thị trường Việt Nam với quy mô lên tới 2 tỷ USD.

Còn nhiều vướng mắc để tín dụng xanh được khơi thông

Dù đã có sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, với tổng số chưa đầy 600 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được các ngân hàng cung cấp đến nay, có thể thấy nguồn vốn xanh đầy tiềm năng này vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng tới việc tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển đồng bộ, bao quát quy mô tín dụng ngành ngân hàng.

Một trong những vướng mắc hàng đầu là câu chuyện xoay quanh hành lang pháp lý khi chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực để làm căn cứ các TCTD xác định cấp tín dụng xanh. Đây cũng là lý do khiến TCTD chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.

Vẫn còn nhiều vướng mắc để tín dụng xanh khơi thông- Ảnh 2.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), chia sẻ tại hội thảo.

Ngoài ra, một số khó khăn khác được bà Phùng Thị Bình nêu ra tại hội thảo, gồm: yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu trong quá trình cấp tín dụng xanh, đây là một khó khăn cho các cán bộ tín dụng khi thẩm định, đánh giá hiệu quả dự án và khả năng trả nợ của khách hàng,...; hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến xử lý vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ của TCTD.

Từ đó, các diễn giả, chuyên gia tại hội thảo đã cùng bàn luận và đưa ra một số kiến nghị.

Về phía Chính phủ, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để làm cơ sở cho TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chia sẻ thêm: "Hiện các nguồn vốn xanh thương mại chưa mang lại nhiều lợi ích tài chính. Do đó, Chính phủ cần tạo cơ chế khuyến khích, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh…".

Đối với các TCTD, cần đào tạo thêm kiến thức cho cán bộ; thúc đẩy hấp thụ vốn tín dụng xanh nói chung và trái phiếu xanh, chứng chỉ carbon nói riêng; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh, khách hàng...

Còn về phía doanh nghiệp, cần phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin để TCTD thẩm định cho vay; đồng thời, nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm