Công nghệ về bản: Khi người dân không còn đứng ngoài thế giới số

Văn Long
19/05/2025 - 20:43
Công nghệ về bản: Khi người dân không còn đứng ngoài thế giới số

Chị Hồ Thị Giang (áo xanh) đang hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh.

Nhờ sự hỗ trợ của tổ công nghệ cộng đồng, người dân tại xã A Vao đang từng bước tiếp cận công nghệ số. Những chiếc điện thoại thông minh đang trở thành cầu nối giúp họ sống chủ động và hiểu biết hơn.

100% các bản có tổ công nghệ cộng đồng 

Tại xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), việc tiếp cận công nghệ số đang từng bước lan tỏa đến từng bản làng thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng và hoạt động hỗ trợ của tổ công nghệ. 

Trong một buổi sinh hoạt chuyên đề tại bản Tân Đi 2 (xã A Vao) chị Hồ Thị Neng (dân tộc Vân Kiều) đã trở thành người chia sẻ kinh nghiệm sau gần một năm làm quen với điện thoại thông minh. Trước sự tham gia của gần 30 phụ nữ trong bản, chị Neng hướng dẫn cách tra cứu thông tin hỗ trợ học sinh bán trú, gửi ảnh giấy tờ cho cán bộ xã qua Zalo và nhận biết tin giả trên mạng xã hội.

"Trước chỉ biết cầm điện thoại gọi, giờ biết coi clip, đọc tin, gửi hình. Mình biết thì dạy lại cho chị em khác. Cái gì không hiểu thì gọi tụi nhỏ trong tổ công nghệ hỏi. Không xấu hổ nữa", chị Neng nói.

Theo thống kê từ UBND xã A Vao, sau gần 2 năm triển khai Dự án 6 – Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Hàng trăm lượt người dân đã được hướng dẫn sử dụng thiết bị số; 100% các bản trên địa bàn có tổ công nghệ cộng đồng hoạt động thường xuyên; Loa truyền thanh ứng dụng công nghệ số đã được lắp đặt tại các bản vùng sâu; Nhiều hồ sơ hành chính, giấy tờ cá nhân được nộp qua mạng nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ xã và tổ công nghệ.

Công nghệ về bản: Khi người dân không còn đứng ngoài thế giới số- Ảnh 1.

Nhiều đứa trẻ ở xã A Vao đã biết sử dụng thành thạo điện thoại thông minh

Không chỉ là những con số, kết quả này cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong cách người dân tiếp cận công nghệ, không còn đứng ngoài, không còn e dè, mà chủ động sử dụng phục vụ đời sống thiết thực.

Hình thành năng lực tiếp cận thông tin như một kỹ năng sống

Chị Hồ Thị Giang, Phó Bí thư Đoàn xã A Vao (thành viên tổ công nghệ cộng đồng) cho biết, trên địa bàn xã A Vao hiện nay có 6 tổ công nghệ cộng đồng, mỗi tổ có từ 6-8 thành viên, nhiệm vụ của tổ công nghệ là giúp đỡ bà con sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn truy cập sử dụng dịch vụ công.

"Hồi đầu bà con nghĩ điện thoại thông minh là để con cháu chơi. Nhưng giờ các chị biết gửi ảnh, nhắn tin, coi video hướng dẫn. Chỉ cần có người chỉ thì ai cũng học được", chị Giang nói.

Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, khẳng định: "Truyền thông ở vùng đồng bào thiểu số không thể rập khuôn như ở đô thị. Ở đây, cán bộ phải đi đến từng bản, dùng tiếng dân tộc, nói chuyện đời thường, ví dụ dễ hiểu thì bà con mới nghe, mới tin".

Ông Nhiếp nhấn mạnh rằng, giá trị lớn nhất mà Dự án 6 để lại không nằm ở thiết bị hay kinh phí, mà là sự hình thành năng lực tiếp cận thông tin như một kỹ năng sống giúp người dân tự chủ hơn trong các quyết định cá nhân và gia đình.

Nhiều người dân ở A Vao, cho biết, nhờ có tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ tận tình mà họ không còn e ngại khi sử dụng điện thoại thông minh. 

"Hồi trước đi làm giấy tờ toàn phải lên xã, có khi mưa lũ không đi được. Giờ chụp ảnh gửi trước, cán bộ hướng dẫn qua Zalo, tiết kiệm thời gian mà cũng đỡ sợ sai", một người dân chia sẻ.

Những thay đổi này tuy âm thầm, nhưng là bước chuyển rất căn bản, thể hiện rõ mục tiêu "giảm nghèo về thông tin" mà Dự án 6 đặt ra, không chỉ để phổ cập công nghệ, mà để người dân vùng khó có thêm công cụ cải thiện chất lượng sống, và được tiếp cận chính sách một cách công bằng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm