Cụ bà 93 tuổi trở thành 'báu vật nhân văn' của bài chòi miền Trung

01/10/2018 - 22:00
“Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc cho lòi rốn ra…”, cùng với chiếc song loan trên tay gõ nhịp, cụ Đào - năm nay đã 93 tuổi - tuôn vanh vách từng câu chữ bài chòi. Các nhà nghiên cứu đánh giá, cụ Đào là “báu vật nhân văn sống” của bài chòi miền Trung.

Ngay từ nhỏ, cô bé Lê Thị Đào (ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã được trời ban cho chất giọng thanh thoát. Khi lên 10 tuổi, Đào đã học lỏm các chị các anh trong làng về hô bài chòi.

Cụ Lê Thị Đào

Năm 14 tuổi, cô gái trở thành đào nhứt (đào chánh), bôn ba khắp nơi cùng những gánh bài chòi với nghệ danh Minh Trạng. Trước khi chạy hiệu, cứ đoàn dựng chòi xong là Đào lên sân khấu, sắm đào, dùng giọng hát mùi mẫn của mình kéo quan khách tới chơi hội. Nhiều lúc, thấy Đào quá say mê, người anh trai lý luận: “Con gái mà theo nghiệp hát xướng rồi hư”, nhưng rồi cũng không thể ngăn cô gái trẻ đến với hội chín chòi.

 

Những năm 90 của thế kỷ trước, cụ Đào gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn làm chủ nhiệm. Đến năm 80 tuổi, cụ mới chính thức giải nghệ. Trong suốt quãng thời gian theo đuổi nghệ thuật bài chòi, cụ đã có công không ít trong việc truyền lửa nghề cho những thế hệ hậu bối. Đặc biệt, khoảng thời gian gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định, cụ là nhân tố quan trọng trong việc truyền dạy về hô hát, đánh bài chòi cho thế hệ trẻ.

 

Theo các nhà nghiên cứu, cụ Đào là “hạt ngọc” của bài chòi cổ theo phương thức dân gian. Cụ nắm giữ và tích tụ những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, cụ là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn bài chòi.

Bài chòi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 

PGS.TS Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc- người chủ trì đợt điền dã, sưu tầm tư liệu về bài chòi dân gian Bình Định từng nhận xét: “Những tâm tình, tài năng của cụ Đào khiến tôi xúc động, ấn tượng về lòng yêu nghề của một nghệ sĩ đích thực và cao cấp lắm! Những nghệ nhân như cụ Đào thực sự là “báu vật nhân văn sống” mà tỉnh Bình Định cần có thái độ ứng xử hợp lí, cũng như tạo điều kiện để cụ truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ”.

 

Một đời hô hát bài chòi, cụ Đào vui mừng khi biết bài chòi được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cụ bảo, chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh như hôm nay. Đã có lần cụ nghĩ dù có luyến tiếc đến đâu thì cũng phải chấp nhận thực tế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này sẽ vĩnh viễn mất đi.

 

“Nhưng mấy năm ròng, hội đánh bài chòi mở khắp nơi trong tỉnh rồi ra tới Hà Nội, vào tận TP.HCM biểu diễn; hiệu trẻ, nghệ nhân trẻ ngày một nhiều thêm. Cụ mừng đến ứa nước mắt khi bài chòi được thế giới vinh danh”, người nghệ nhân già bộc bạch.

 

Năm 2007, cụ Đào được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian. Cuối năm 2015, cụ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm