22h30, chuẩn bị đi ngủ, bé con nhà chị Kim Anh (phố Văn Cao, Hà Nội) bỗng kêu đói và đòi ăn xúc xích. Đồ ăn vặt của con trong tủ lạnh đã hết sạch. Giờ này siêu thị và cửa hàng tạp hóa đã đóng cửa. Nghe con khóc ăn vạ, chị Kim Anh vừa bực, vừa thương.
|
Không gian thoáng rộng tại nhiều cửa hàng tiện ích |
Sực nhớ ra cửa hàng tiện ích 24/24 giờ mới khai trương được vài ngày ở đầu phố, chị “biệt phái” ngay chồng ra xem thử. 10 phút sau, anh Hải chồng chị hí hửng xách về, không chỉ có xúc xích mà còn có thêm cả bánh mì, bánh bao để ăn khuya. Chị Kim Anh còn vui hơn nữa khi anh Hải thông báo: “ Cửa hàng tiện ích này phục vụ suốt cả ngày đêm, vợ yên tâm, từ nay không phải lo tích trữ nhiều đồ trong nhà nữa nhé!”
Hàng hóa đa dạng
Sáng hôm sau, trước giờ đi làm, chị Kim Anh tranh thủ ghé qua tham quan cửa hàng tiện ích. Quả thật, hàng hóa khá đa dạng, không khác gì một siêu thị mini, với đủ các loại từ bánh kẹo, đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn đến đồ hộp, sữa, nước giải khát, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm,… Diện tích của một cửa hàng tiện lợi cũng khá rộng rãi, cách bài trí đồ gọn gàng, khoa học. Quy trình thanh toán tiền nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu như ở siêu thị.
|
Thanh toán tiện lợi |
Mang câu chuyện về cửa hàng tiện ích đến chia sẻ với chị em trong văn phòng, chị Kim Anh mới biết, thì ra, không chỉ riêng khu phố nhà chị, mà các nơi khác đều đã có các cửa hàng phục vụ 24/24 từ vài năm nay. Từ các khu chung cư lớn nhỏ, các khu phố sầm uất đến các phố nhỏ, thậm chí trong các con ngõ cũng có các cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu uy tín như FamilyMart, Circle K, Zakamart… Bên cạnh đó còn có các cửa hàng tiện lợi do tư nhân mở ra để phục vụ nhu cầu mua sắm của khu dân cư. Chính vì tính tiện lợi, các cửa hàng 24/24 không chỉ là nơi mua sắm của dân công sở và người nội trợ, mà còn thu hút cả học sinh và sinh viên.
|
Cửa hàng thu hút được khá đông các khách hàng học sinh |
Trò chuyện với PNVN, Ngọc Vân (THCS Phan Chu Trinh, HN) chia sẻ: “bố mẹ cháu hay bận rộn vào buổi trưa, cháu thường ghé vào cửa hàng Circle K để mua đồ ăn và nước uống. Có nhiều món hàng phù hợp với khoái khẩu của học sinh như nước uống trái cây, giá từ 12.000 đồng/chai, bánh bao giá từ 4.000 đồng/chiếc, bánh hotdog giá 26.000 đồng/chiếc. Ngoài ra còn có cá viên, bò viên, kem các loại… Hôm nào không thích mua về nhà, cháu ăn uống tại cửa hàng luôn vì có chỗ để ngồi ăn thoải mái”.
Giá bán mắc hơn 10%
So sánh giá cả, chị Kim Anh nhận thấy, giá bán của hầu hết các mặt hàng tại các cửa hàng 24/24 đều cao hơn ở các siêu thị từ 5-10%. Theo chị, đây là mức giá chấp nhận được, vì cách thức mua hàng tại đây nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, đặc biệt, với ưu điểm nổi trội là phục vụ suốt cả ngày và đêm, kể cả các ngày lễ tết, những cửa hàng tiện lợi vẫn là lựa chọn của chị Kim Anh và gia đình khi mua sắm. Đặc biệt, tại đây còn có các tiện ích khác như: dịch vụ thu tiền điện, điện thoại, internet, bán vé vui chơi, giải trí… khá thuận tiện cho những người bận rộn, không có thời gian ra ngoài trong giờ hành chính.
Không giống như chị Kim Anh, bà Hồng, hàng xóm nhà chị sau khi tham quan cửa hàng mua sắm tiện ích, quyết định vẫn chọn cách mua hàng truyền thống tại các chợ và hàng tạp hóa. Bà Hồng chia sẻ: “Tại các cửa hàng tạp hóa, những loại đồ dùng hàng ngày như kem đánh răng, xà phòng, nước rửa bát… thường được bán với giá rẻ hơn giá niêm yết trên bao bì từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng nếu tích lại trong một thời gian dài cũng tiết kiệm được một khoản kha khá.