Trao đổi với PV Báo PNVN, Tổng Giám đốc Văn phòng chứng nhận Halal Việt Nam - ông Trần Xuân Giáp (tên Hồi Giáo là Hj. Mohammed Omar) cho biết: Hồi giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới với hơn 2 tỷ tín đồ. Tại Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp so với toàn thể dân số Việt Nam (khoảng 70.000 người).
Việt Nam đang khuyến khích quảng bá các Tour du lịch cho các đoàn khách người Hồi giáo. Bằng chứng là có 1 con phố được mệnh danh “Phố Malaysia” - đường Nguyễn An Ninh nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1, TPHCM) biết đến là một khu tập trung buôn bán, ăn uống sầm uất bậc nhất dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo như người Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei….
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa các dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo hơn ví dụ nhà hàng ăn Halal, khách sạn Halal, Tour du lịch Halal … để thu hút nhiều hơn khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.
Như vậy, doanh nghiệp Việt nam hoàn toàn có cơ hội sản xuất và kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống... tiêu thụ trong nội địa cho cộng đồng Hồi giáo, khách du lịch Hồi Giáo hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa Halal trong nước.
Với thị trường xuất khẩu, khoảng gần phân nửa dân số trong khu vực ASEAN là người Hồi giáo, nhưng dường như doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ, hoặc lúng túng trong việc đáp ứng các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn phục vụ cho những khách hàng này.
Thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao như ở thị trường Mỹ hoặc châu Âu nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe.
Trong đó, sản phẩm phải đảm bảo không có thành phần thịt heo, thịt chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn người Hồi giáo; đảm bảo không có sự nhiễm chéo trong quá trình sản xuất sản phẩm Halal và các sản phẩm khác; thiết kế, nhãn bao bì sản phẩm không đi ngược lại các nguyên tắc luật Hồi giáo: không quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác trên bao bì sản phẩm...
Theo ông Trần Xuân Giáp, hạn chế hiện nay của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường này, là sự hiểu biết còn hạn chế về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các khách hàng Hồi giáo. Doanh nghiệp trong nước còn lúng túng, chưa nắm bắt được các quy định, tiêu chí rõ ràng để được chứng nhận Halal.
Ông Trần Xuân Giáp nhấn mạnh: Điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp xuất khẩu được hàng hóa, thực phẩm vào các nước Hồi giáo là “sản phẩm phải đạt yêu cầu chứng nhận Halal của cơ quan Halal đã được phê duyệt về năng lực đánh giá Halal quốc tế”.
Được nước nhập khẩu công nhận là rất quan trọng, vì nhiều doanh nghiệp làm chứng chỉ Halal từ các tổ chức không được công nhận, gây ảnh hưởng rất nhiều khi không xuất khẩu được hàng, vừa mất nhiều chi phí, mất thời gian lại gây bức xúc.
Hiện nay, tiêu chuẩn Halal của mỗi quốc gia Hồi giáo còn khác nhau khiến cho doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng nước theo đạo Hồi. Ví dụ, để xuất khẩu sang Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bắt buộc đơn vị làm chứng nhận Halal phải được công nhận bởi cơ quan công nhận của GCC là GAC. Riêng nhóm 7 nước thuộc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thì các đơn vị chứng nhận phải được sự công nhận của ESMA - cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng của UAE. Có như vậy, giấy chứng nhận Halal mới được phép xuất khẩu vào các thị trường này.
Ngoài ra, lãnh đạo Văn phòng chứng nhận Halal Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, việc lạm dụng logo Halal cho sản phẩm chưa được chứng nhận Halal đang ngày một gia tăng gây ra sự nhầm lẫn cho các tín đồ Hồi giáo khi sử dụng sản phẩm. “Vì vậy để nghị cơ quan quản lí nhà nước có quy định và hình phạt nghiêm ngặt với những trường hợp vi phạm trên”.
Doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu về các điều cấm kị về văn hóa khi giao tiếp với khách hàng Hồi giáo như: Không bắt tay với phụ nữ Hồi Giáo; Không sử dụng bia rượu, đồ ăn chứa thịt heo khi mời khách hàng Hồi giáo. Thời gian hành lễ của người Hồi Giáo trong ngày (5 lần/ngày)... |