'Đa phần doanh nghiệp không thực hiện chế độ khám phụ khoa cho lao động nữ'

24/02/2019 - 11:43
Một số công ty có những quy định có lợi hơn cho lao động nữ như khi mang thai từ tháng thứ 7 trở đi đều được nghỉ 60 phút mỗi ngày và được hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, hầu hết lao động nữ tại các doanh nghiệp (DN) vẫn còn quá nhiều thiệt thòi về các chế độ, chính sách cho họ.

Đây là ý kiến được đại diện Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (Công đoàn VSIP) chia sẻ tại buổi Gặp mặt biểu dương cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc lần thứ hai, vừa diễn ra ngày 23/2 ở Hà Nội.

Đại diện tổ chức Công đoàn VSIP cho biết: Đại đa số lao động có độ tuổi từ 18 đến 25 và trên 60% là lao động nhập cư từ các tỉnh/thành trong cả nước. Trước thách thức khó khăn về kinh tế hội nhập và sự biến động của xã hội, dù ở lĩnh vực nào, nữ công nhân lao động là đối tượng dễ bị xâm hại quyền lợi và dễ bị mất việc làm nhất.

Tình trạng làm tăng ca, tăng giờ tồn tại khá phổ biến, điều kiện lao động, điều kiện sống, chính sách tiền lương, BHXH, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và đời sống tinh thần của nữ công nhân lao động vần còn nhiều bức xúc; vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, nữ đơn thân, nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức như: 

 

nu-cong4.jpg
Hầu như các doanh nghiệp không thực hiện chế độ khám phụ khoa cho lao động nữ. Ảnh minh họa

Nhiều chính sách cho lao động nữ chưa đi vào cuộc sống

Hầu như các doanh nghiệp không thực hiện chế độ khám phụ khoa cho lao động nữ. Việc thực hiện chế độ khám phụ khoa hàng năm, bố trí cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày, phòng thay đồ trong thời gian hành kinh... hầu như các doanh nghiệp đều không thực hiện và thậm chí bản thân người lao động nữ cũng không biết có quy định này.

Nhiều lao động nữ phải làm việc trong môi trường nóng, bụi, tiếng ồn, rung

Về môi trường làm việc, điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp chưa quan tâm cải thiện tốt, lao động nữ chủ yếu làm việc ở các ngành may mặc, điện tử, gỗ, thực phẩm… phải làm việc trong môi trường nóng, bụi, tiếng ồn, rung, phải làm những công việc nặng nhọc và thường xuyên làm thêm mỗi ngày từ 2 đến 3 giờ, nên ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể…

Chính sách cho lao động nữ chưa được thực hiện đồng bộ

Các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới chưa triển khai thực hiện tốt, khó thực thi có hiệu quả trong thực tế (chính sách miễn giảm thuế, cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ vay ưu đãi rất khó thực hiện...);

Quy hoạch phát triển các KCN tập trung chưa đồng bộ với việc đầu tư nhà ở, nhà trẻ, nhà lưu trú cho người lao động... hầu hết người lao động có con nhỏ phải gửi nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ... không an tâm hoặc gửi con về quê để người thân chăm sóc (vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ và tâm lý của phụ nữ).

Nhiều lao động nữ còn nạo phá thai, vứt bỏ con

Tình trạng nữ lao động xem nhẹ các giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam còn diễn ra phổ biến như: sống thử, sống chung trước hôn nhân, nạo phá thai, vứt bỏ con... Một bộ phận lao động động nữ chưa quan tâm đến việc học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, ý thức tác phong lao động công nghiệp để có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định công việc, thu nhập ổn định hơn.

cong-nhan-kcx-linh-trung-trong-gio-tan-ca.jpg
Công nhân KCX Linh Trung (TPHCM) lúc tan ca. Ảnh minh họa

 

Nhiều DN vẫn ngại tuyển lao động nữ

Dù Bộ luật Lao động quy định “ưu tiên tuyển lao động nữ”, nhưng tâm lý chung của các doanh nghiệp là ngại tuyển lao động nữ bởi hiện nay, với nền kinh tế thị trường, các chi phí sử dụng lao động nữ cao hơn so với lao động nam, nên nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động trẻ để sa thải lao động nữ đã có tuổi, tay nghề thấp... Ngoài ra, một số doanh nghiệp thông báo tuyển dụng chỉ tuyển lao động nữ độ tuổi từ 18 đến 25, như vậy là đã loại tất cả lao động nữ tuổi đời trên 26 tuổi. Cá biệt, có doanh nghiệp chỉ tuyển lao động nam, mặc dù Điều 154 Bộ luật Lao động đã quy định: "Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng,  sử dụng, đào tạo... lao động nữ".

Đề xuất tháo gỡ khó khăn của Công đoàn VSIP

Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong buổi gặp mặt biểu dương cán bộ, nữ công nhân lao động lần thứ 2 vừa diễn ra, đại diện Công đoàn VSIP đã mạnh dạn đưa ra một số đề xuất sát với thực tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của công đoàn các cấp:

- Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ phải cụ thể, đơn giản hóa thủ tục giải quyết miễn giảm thuế, dễ thực hiện.

- Pháp luật cần quy định doanh nghiệp phải bố trí thời gian để người lao động được học tập về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để nâng cao nhận thức.

- Nhà nước sớm triển khai xây dựng nhà ở giá rẻ cho người lao động, xây dựng khu vui chơi, giải trí, nhà trẻ, nhà mẫu giáo để người lao động gửi con và an tâm làm việc. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải đi đôi với quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ cho CNLĐ làm việc tại khu, cụm công nghiệp đó.

- Sửa đổi một số quy định của pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ như: Quy định gia hạn HĐLĐ cho lao động nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ khi HĐLĐ hết hạn; Quan tâm các điều kiện đặc thù cho lao động nữ như nhà vệ sinh, nhà tắm, buồng thay quần áo, phòng y tế tại các doanh nghiệp đông lao động nữ, đảm bảo thực hiện các quy định cho nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ;

- Đối với các khu vực nhà trọ tư nhân cần có sự quản lý và quy định chặt về tiêu chuẩn phòng trọ, điều kiện vệ sinh, an toàn; đặc biệt là quản lý giá cho thuê trọ, giá điện, nước, sinh hoạt… tránh việc tăng giá tùy tiện như hiện nay.

Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (Công đoàn VSIP). Hiện Công đoàn VSIP trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động 346 Công đoàn cơ sở/400 doanh nghiệp, với trên 128.000 ĐVCĐ/136.000 CNLĐ, trong đó lao động nữ trên 68.000 đơn vị công đoàn của 72.000 công nhân lao động (chiếm 53%, chủ yếu làm trong các ngành: may mặc, điện tử, thực phẩm).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm