Đại biểu Quốc hội: Đề nghị Chính phủ kiên định với "mục tiêu kép"

PV
25/07/2021 - 09:38
Đại biểu Quốc hội: Đề nghị Chính phủ kiên định với "mục tiêu kép"

đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 25/7, đại Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đề nghị Chính phủ có nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và kiên định với "mục tiêu kép".

Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay (25/7), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các đại biểu đặc biệt quan tâm và thảo luận về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Đánh giá cao những biện pháp phòng chống đại dịch thời gian qua, các đại biểu chung nhận định, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng nước ta vẫn đạt được một số kết quả kinh tế - xã hội, như GDP tăng đáng khích lệ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; số doanh nghiệp mới trở lại hoạt động tăng… 

Trước tình trạng dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng tới hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tác động tiêu cực tới đời sống của nhân dân, người lao động, các đại biểu đề nghị Chính phủ có nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và kiên định với "mục tiêu kép".

Nêu một số vấn đề nổi lên thời gian qua trong phòng chống dịch, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho rằng: Quyết liệt phòng chống dịch nhưng không nên quá cực đoan. Bên cạnh những địa phương có cách làm sáng tạo, phù hợp như đón đầu dịch, xét nghiệm ngẫu nhiên tạo hiệu quả cao; tuy nhiên có một số đia phương áp dụng biện pháp thái quá, như không cho xe nông sản qua địa bàn, hoặc mỗi tỉnh mỗi quy định khiến hàng hóa không thể lưu thông mặc dù có giấy phép kiểm soát dịch, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu ví cả nước như cơ thể sống có quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì một nơi bị bệnh mà cắt rời cả cơ thể. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhiều hành vi vi phạm bị khởi tố hình sự khi làm gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng trong phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đánh giá cao việc xóa bỏ đăng công khai danh tính và lịch trình của bệnh nhân. Bởi việc này khiến nhiều người trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn và ném đá trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng lớn tới gia đình họ. 

Theo đại biểu đây không phải là cách mà chúng ta cùng nhau chống dịch. Sau 2 tháng áp dụng việc bỏ công khai danh tính, ngành y tế cho biết đã nhận được sự phối hợp tích cực của người bệnh, truy vết kịp thời, tránh làm tổn thương cho người bệnh.

ĐBQH: Phòng chống Covid-19, không vì bộ phận bị ốm mà cắt rời cả cơ thể - Ảnh 1.

Toàn cảnh nghị trường

 Bên cạnh những hi sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ xúc động với những hoạt động tương thân tương ái trong cộng đồng. Từ người già, đến trẻ em cũng không nề hà quyên số tiền ít ỏi, góp sức mình, cũng như chấp hành "5K" để cùng chung tay đẩy lùi Covid-19. "Đại dịch đã thực sự trở thành phép thử đối với ý thức trách nhiệm công dân", đại biểu nói.

Nhận định khó khăn đang ngấm càng sâu vào đời sống người dân và doanh nghiệp, việc triển khai các biện pháp hỗ trợ những người khó khăn là chủ trương kịp thời, hợp lòng dân. Đại biểu kiến nghị Chính phủ giao các cơ quan chức năng triển khai phần mềm thống kê liên thông cho việc rà soát chính xác tới đối tượng thụ hưởng, tránh trùng lắp, bỏ sót, tiêu cực có thể xảy ra.  Đồng thời rà soát khả năng chống chịu của doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ thời gian tới.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho rằng dịch bệnh còn kéo dài, việc ứng phó với Covid-19 cần phải có chiến lược lâu dài và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh, hướng tới trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm hơn nữa tới đời sống của người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp bị cách ly, để họ được đảm bảo các quyền lợi về ăn nghỉ, sinh sống, vui chơi và sinh hoạt gia đình.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm