pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội: Làm gì để giải quyết tình trạng ngập úng ở đô thị?
Ảnh minh hoạ
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - ĐBQH tỉnh Bình Thuận - cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. Ông Thông đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời về ngập úng ở đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh bày tỏ thống nhất với ý kiến đại biểu Hữu Thông. Bộ trưởng nói trước đây quy hoạch chưa được làm bài bản, trong đó có đánh giá tác động môi trường. Chúng ta chủ yếu làm quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng, dân cư nhưng chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài. "Tại sao trước đây chúng ta không ngập?", ông Khánh đặt vấn đề và giải thích trước đây có ao, hồ điều tiết, tích trữ nước. Ao, hồ còn làm cảnh quan cho đô thị.
Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trước đây nếu bị ngập úng thì cho chảy tràn nhưng hiện nay, do quá trình phát triển đô thị nên hệ thống thoát nước của đô thị khi có mưa lớn chưa đảm bảo ứng phó được. Muốn chống ngập úng phải giải quyết đồng bộ những vấn đề này, đặc biệt ở Hà Nội, TP.HCM.
"Trong các khu đô thị mới, tôi cũng muốn có nhiều ao, hồ vừa tạo cảnh quan, vừa là nơi tích trữ nước khi mưa lớn và chống tràn ngập úng đô thị", Bộ trưởng chia sẻ.
Đề cập đến tình trạng ngập úng trong đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, vấn đề ngập úng đô thị diễn ra phức tạp. Nguyên nhân đầu tiên được Bộ trưởng Xây dựng nhắc đến là điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Hai là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhu cầu xây dựng tăng cao, dẫn đến san lấp ao, hồ, kênh, rạch… Cùng vì điều này, diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa, thu hẹp diện tích thoát nước tự nhiên… Ba là do công tác quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu dự báo và đáp ứng yêu cầu chống ngập úng đô thị. Bốn là lập và triển khai dự án theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh
Nguyên nhân thứ năm, theo Bộ trưởng Xây dựng, là do ý thức người dân khi vứt rác thải, cản trở dòng chảy thoát nước.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết giải pháp thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước…
Nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị; rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương trong xử lý nước thải đô thị… cũng là những giải pháp được Tư lệnh ngành Xây dựng đưa ra.
Ô nhiễm môi trường càng ngày càng tăng, trách nhiệm của Bộ thế nào?
Nghe câu trả lời của Tư lệnh ngành Tài nguyên - Môi trường về việc các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu - đã giơ biển xin tranh luận. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường khi để xảy ra trình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
"Bộ trưởng nói việc này cần thời gian và nguồn lực, nhưng cần bao nhiêu năm nữa? Nguồn lực xử lý tổng thể ô nhiễm thế nào, vì vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua đơn vị và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm. Đại biểu phản ánh tình trạng "càng ngày càng ô nhiễm", Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, càng phát triển, những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn. Giải pháp Bộ trưởng đưa ra là cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống.
"Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nói.