pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Có thẩm phán đã quên vị trí, vai trò là người giữ quyền bảo đảm hoạt động xét xử
Một trong những vụ án được các đại biểu đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm này là vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên.
Như Báo PNVN đã phản ánh, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án này, vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại bà Lê Hoàng Diệp Thảo, rằng: "Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Ông Vũ không có tài thì không thể nào đưa một cơ sở nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Chị về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng mà, chị về quản lý con chị, chị có mất gì đâu"…
Nói về việc này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm: Có thể thấy, với những lời nói như vậy, ông thẩm phán đã quên mất vị trí, vai trò của là người đang giữ quyền bảo đảm hoạt động xét xử, bảo đảm cho pháp luật được thực thi. Không những thế, vị thẩm phán đã vi phạm Luật Bình đẳng giới khi hạ thấp vai trò của người phụ nữ, coi họ chỉ là người nội trợ, chăm lo cho gia đình…
Còn Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng: "Lời khuyên" của vị chủ tọa không những không bảo đảm về sự vô tư, khách quan của người "cầm cân, nảy mực", mà còn cho thấy không phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình về quyền nhân thân trong Hôn nhân và gia đình, quyền bình đẳng của vợ chồng.
Việc bà Thảo yêu cầu ly hôn là quyền của đương sự, phù hợp với quy định pháp luật. Rất tiếc, trong quá trình giải quyết, chủ tọa lại "động viên" bà Thảo giao công ty cho ông Vũ quản lý, lui về chăm sóc con cái là sự thiếu chuẩn mực. Bởi lẽ, việc chăm sóc, nuôn dưỡng con cái không chỉ của người vợ mà là trách nhiệm của cả vợ chồng. Đồng thời, người vợ có quyền bình đẳng với chồng trong việc quản lý, khai thác tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Đặc biệt, câu nói của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa còn đi ngược lại tinh thần, nguyên tắc cơ bản của Luật Bình đẳng giới. Ngay tại khoản 3, Điều 5 của luật này đưa ra khái niệm về bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Còn Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì cảm thán: "Không hiểu Tòa đã căn cứ vào đâu để "đè" ra chia tiền chứ không phải chia cổ phần, dù cổ phần là hiện vật chia được".
"Ở đây là sở hữu cổ phần, chị Thảo đang là cổ đông. Tòa án không có một cơ sở pháp lý nào để nói chia xong thì chị Thảo phải bỏ hết cổ phần, nhận tiền rồi ra khỏi công ty. Toà không dựa vào luật nào để làm việc đó cả", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM đều tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học. Riêng tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Hai bản án cũng giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và trả tiền lại cho bà Thảo…
Sau phiên tòa, bà Thảo đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và Viện trưởng Viện KSNDTC đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.
Theo đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử lại.
Đồng thời, tạm đình chỉ thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.