Đại dịch Covid-19 tác động đến tình trạng strees và tim mạch như thế nào?

Linh Trần
30/12/2020 - 23:20
Đại dịch Covid-19 tác động đến tình trạng strees và tim mạch như thế nào?

COVID-19 là một trong nguyên nhân gia tăng stress. Ảnh minh họa

Theo GS.TS.Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam, mặc dù COVID-19 cũng do chủng coronavirus gây nên nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các dịch bệnh do SARS và MERS trước đây. Dịch COVID-19 là yếu tố làm gia tăng tình trạng stress và bệnh tim mạch.

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành ngoài tác động mạnh mẽ đến kinh tế- xã hội tại nhiều nước trên thế giới còn ảnh hưởng đến tinh thần của người dân, đặc biệt là stress. Một thống kê năm 2017 cho thấy, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress nhưng người dân rất ít đi khám.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số trường hợp đến khám rối loạn liên quan stress tại viện có phần gia tăng hơn. Theo GS.TS.Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam, mặc dù COVID-19 cũng do chủng coronavirus gây nên nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các dịch bệnh do SARS và MERS trước đây. Người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, suy thận… có nhiều khả năng dễ bị nhiễm virus hơn và có kết quả tồi tệ hơn người không có thậm chí tử vong.

GS. Huỳnh Văn Minh cho biết, stress trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể như cortisol và adrenaline tăng cao và kéo dài liên tục, đây là một tác dụng có hại đối với hệ tim mạch. Khi đó, tim sẽ đập nhanh hơn, nhịp thở nhanh hơn để tăng cung cấp oxy; tay chân bị lạnh do các mạch máu ngoại biên co lại nhằm dồn máu cho các cơ quan quan trọng; cơ bắp căng cứng do ở trạng thái sẵn sàng phản ứng.

Tuy nhiên, nếu yếu tố gây stress quá mạnh hoặc kéo dài, nội tiết tố tiết ra quá mức có thể kìm nén hệ miễn dịch, làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, sức khỏe suy giảm, cơ thể gặp nhiều tác hại, hàng loạt bệnh đồng mắc sẽ xuất hiện.

Ngoài ra, stress cũng có thể làm cơ thể dễ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Stress cũng ảnh hưởng xấu, làm huyết áp tăng cao đột ngột, làm tăng mức đường và cholesterol trong máu.

Stress cũng có thể gây ra hoặc làm nặng lên những vấn đề tim mạch như: đau thắt ngực và bệnh mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đột quỵ não. Với những người đã có sẵn bệnh lý tim mạch, stress có thể là yếu tố thúc đẩy gây ra các biến cố tim mạch một số các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, các rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Đại dịch Covid-19 tác động đến tình trạng strees và tim mạch như thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Stress còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nên viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương xương khớp như đau khớp, co cứng cơ, các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết, thậm chí ảnh hưởng toàn thân gây suy sụp, mệt mỏi…

GS. Huỳnh Văn Minh cho biết, người bị stress sẽ có các biểu hiện ở hành vi như khóc lóc, ăn uống bất thường, hấp tấp, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, hút thuốc, nghiện ngập,... hoặc biểu hiện cảm xúc như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, sợ hãi, thất vọng, dễ nóng tính, bực tức và thường xuyên khó chịu.

Stress thường trải qua nhiều giai đoạn và mức độ. Giai đoạn báo động là giai đoạn cơ thể phản ứng stress chủ yếu qua hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động, làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và trương lực cơ bắp, làm cho nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng nhắc, có cảm giác đau bên trong cơ thể; rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, huyết áp tăng, khó thở, ngất xỉu, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là các cơ bắp. Người bệnh tăng cảm giác, nhất là thính giác, vì vậy tiếng động bình thường cũng trở nên khó chịu, dễ nổi cáu, bất an, kích động, rối loạn hành vi…

Nếu người bệnh trải qua giai đoạn này sẽ đến giai đoạn thích nghi với sự đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ tình huống stress. Nếu khả năng thích ứng cao, các chức năng tâm sinh lý của cơ thể được phục hồi. Ngược lại, quá trình phục hồi sẽ không xảy ra và cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ. "Cần thiết phải nhận biết sớm giai đoạn đầu tiên để tránh sự tiến triển thành lo âu, trầm cảm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hằng ngày. Khi đó là lúc chúng ta cần tìm đến bác sĩ để điều trị thích hợp", GS. Minh nói.

Cũng theo GS. Minh, bản thân huyết áp ở những người tăng huyết áp, tim mạch thường đã rất nhạy cảm với stress. Các khuyến cáo hiện nay của châu Âu, Hoa Kỳ và Việt Nam xem stress là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch chung và cho tăng huyết áp.

Phương pháp điều trị stress còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của người bệnh. Những phương pháp kiểm soát và giảm stress hiệu quả như: rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao đều đặn, tập thiền, tập Yoga; Đảm bảo ăn uống đủ năng lượng, tránh các thức ăn nhanh, các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, uống trà đậm, cà phê ban đêm; Thực hiện thư giãn như nghe nhạc nhẹ, đọc sách tươi vui, trồng cây, nấu ăn nhẹ nhàng; Duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tăng cường quan hệ xã hôi tích cực, lành mạnh, quan tâm cộng đồng.

Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng thêm châm cứu, massage, tắm nước suối nóng, đặc biệt phải ngủ đủ giấc. Đồng thời, cần đi khám kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, để an tâm tự tin và có hiểu biết đúng đắn về sức khỏe của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm