pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Người con kiệt xuất của quê hương xứ Huế
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần gặp gỡ cán bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: tư liệu
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi men theo con đường ven sông Truồi trong xanh tìm về làng Bàn Môn, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Những ngày này, mọi người đang tất bật dọn dẹp Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh để chào đón những đoàn người đến viếng thăm nhân dịp 100 năm Ngày sinh của Đại tướng (1/12/1920 - 1/12/2020). Mọi người cùng nhau kể những câu chuyện, kỷ niệm về một vị tướng, nhà lãnh đạo, người con xứ Huế tài năng.
Ngôi nhà xưa của gia đình đồng chí Lê Đức Anh nằm bên dòng sông Truồi. Con sông hiền hòa đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây, tưới mát những cánh đồng quê và tắm mát cả tâm hồn, tuổi thơ ông cùng bạn bè nô đùa, câu cá trong những ngày hè oi bức. Ký ức tuổi thơ của ông cũng là những bữa ăn sắn, ăn khoai qua ngày nhưng ấm áp tình cảm gia đình; là sự hy sinh của ba, là sự tần tảo của mẹ, để anh chị em ông được cắp sách đến trường. Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong đồng chí Lê Đức Anh đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.
Ông Lê Trung Thành, cháu họ của đồng chí Lê Đức Anh, bùi ngùi xúc động kể: "Lần nào về thăm quê, chú Lê Đức Anh cũng ra bờ sông đứng thật lâu nhớ lại ký ức tuổi thơ". Ông đi thăm bà con trong làng, sang thăm bà con làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, nằm bên bờ phá Tam Giang, nơi ông sống thời thơ ấu. Hình ảnh vị Đại tướng gần gũi, giản dị đến từng nhà, hỏi thăm từng người luôn in đậm trong ký ức của người dân quê.
"Mỗi lần chú về rất gần gũi, ngồi với bà con ăn bữa cơm canh rau muống với cá kho, uống bát nước chè xanh xứ Truồi và lặng người ngồi nghe những câu hò của xứ Huế. Chú thường bảo "Không về xứ Truồi thì thôi, chứ về thì phải uống nước chè Truồi", ông Thành tự hào về người chú khiêm tốn, giản dị và liêm khiết.
"Tháng 6/2018, tôi có dịp ra Hà Nội thăm chú. Dù không nói được nhưng trong ánh mắt của chú, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm xúc động khi người cháu ở quê hương ra thăm. Đó là lần gặp cuối cùng của tôi và chú", ông Thành lặng đi...
Ông Nguyễn Chương, 71 tuổi, người cháu gọi Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bác họ, chia sẻ: "Nhiều lần về quê nhưng lần nào bác cũng bảo tôi dẫn bác ra sông Truồi, đoạn Bến Bãi có cái bến ngày xưa bác hay ra chơi. Rồi bác kể cho tôi nghe những câu chuyện thời bé, những buổi trưa đi câu cá, đọc sách, cùng bạn bè đùa nghịch bên dòng sông này. Rồi bác đi thăm bà con quanh xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con. Bác nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp".
Trong ký ức của người dân làng Bàn Môn luôn in đậm hình ảnh dung dị, gần gũi, chân tình của Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Mỗi lần về thăm quê, ông luôn căn dặn con cháu cố gắng học hành, khuyên bà con đoàn kết yêu thương. Xứ Truồi không chỉ là nơi gắn bó tuổi thơ mà còn là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Đức Anh. Những kỷ niệm ấy vẫn luôn in đậm trong trái tim, trí nhớ và cùng ông bước qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.
Ông Trần Đình Hàng, 86 tuổi, là người hàng xóm thân thiết với gia đình Đại tướng. Ông vẫn nhớ mãi hình ảnh lần cuối cùng đồng chí Lê Đức Anh về thăm quê cách đây 6 năm: "Mỗi lần về, ông Lê Đức Anh luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê nhà, sự đổi thay của quê hương. Tôi may mắn được gặp ông về thăm quê khoảng 4-5 lần. Còn nhớ có lần, đứa cháu nội của tôi được ông Lê Đức Anh ôm bồng rồi nhẹ nhàng hỏi đây là con cái nhà ai... Thế đó, tình cảm nhiều, nên đi xa trở về, cứ đau đáu, nặng tình với quê hương xứ sở!".
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong đời thường, ông là người sống giản dị, gần gũi, chân tình nhưng rất sâu sắc và luôn nặng tình với quê hương. Trong tập Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng", Đại tướng Lê Đức Anh đã viết: "Tôi tuổi đã cao nên quên nhiều... Nhưng, quê hương với những kỷ niệm thời thơ ấu và những ngày tham gia cách mạng, đi theo Đảng vẫn in đậm trong trí nhớ".