Đảm bảo quyền lợi lao động nữ khi tham gia thị trường lao động nước ngoài

Hà Khê
19/05/2020 - 14:45
Đảm bảo quyền lợi lao động nữ khi tham gia thị trường lao động nước ngoài

Ảnh minh họa

Các chuyên gia, đại biểu cho rằng, khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam thường phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản hơn so với nam giới.

Sáng 19/5, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức "Hội thảo tham vấn chuyên gia về Dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Safe and Fair - Hiện thực hóa quyền và cơ hội của nữ lao động di cư trong khu vực ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nhấn mạnh: Khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam thường đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới.

Đảm bảo quyền lợi lao động nữ khi tham gia thị trường lao động nước ngoài - Ảnh 1.

TS Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp quý báu để đảm bảo các vấn đề giới được nhận diện và lồng ghép trong các quy định của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) một cách hiệu quả; qua đó cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo ra sự đồng bộ các chính sách, chương trình; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thực hiện tốt Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu số 5 về bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam, chia sẻ, việc điều chỉnh Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cơ hội để đảm bảo các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế được đưa vào luật pháp của Việt Nam, như: Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước số 190 - Công ước về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối, Công ước số 189 về Lao động Giúp việc Gia đình của ILO.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, nhận định Công ước số 181 của ILO về Cơ quan Việc làm Tư nhân cấm thu các khoản phí, chi phí từ người lao động di cư - việc này nhằm bảo vệ họ khỏi những nguy cơ từ việc trả chi phí này hoặc mắc nợ để đi làm việc ở nước ngoài. Khi lao động nữ và nam bị mắc nợ, họ dễ có nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực, lao động cưỡng bức và mua bán người. Chính phủ Việt Nam có cơ hội bảo vệ công dân của mình bằng việc cấm thu các khoản phí từ người lao động di cư trong quá trình sửa đổi luật này.

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến sôi nổi cho Dự thảo Luật Người  lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Các đại biểu đã đóng nhiều góp ý kiến cho Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, góp ý nhiều vấn đề trong Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trong đó tập trung nhiều đến vấn đề đảm bảo quyền lợi của phụ nữ cũng như bình đẳng giới khi lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa kết luận, Hội thảo đã giúp Hội có căn cứ để đề xuất sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) với các quy định nhạy cảm giới; để các chính sách khi đi vào thực thi được hiệu quả, sát với thực tiễn hơn; góp phần quản lý, hỗ trợ, bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách tốt hơn, đảm bảo mục tiêu di cư an toàn.

Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu đã cung cấp thêm các căn cứ lý luận và thực tiễn để Hội LHPN Việt Nam và UN Women hoàn thiện tài liệu vận động chính sách "Lồng ghép giới trong Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)" gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm