Tiếp xúc với Diệu Thuần, không ai nghĩ cô gái này đã bước qua tuổi 30. Đến từ vùng quê Quỳnh Hợp, Nghệ An, Diệu Thuần thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đang là một sinh viên vô tư như các bạn đồng lứa thì cô phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Bảo lưu kết quả học tập một năm để chiến đấu với bệnh tật, Diệu Thuần quyết tâm trở lại trường đại học dù sức khỏe yếu. Thuần được ghép tủy thành công vào năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học 2 năm. Sau lần trải qua sinh tử, cô mới hiểu được sâu sắc nỗi đau của những em nhỏ mắc bệnh nơi đây.
"Em chưa lập gia đình một phần vì muốn có nhiều thời gian dành cho các bé ở bệnh viện. Em chủ động sắp xếp thời gian và công việc để đến với các em bé tại Viện Huyết học hai lần mỗi tuần để cùng các em vui chơi, đọc sách, vẽ tranh..., tặng những vật dụng cần thiết cho các em. Ban đầu gia đình em khá lo lắng bởi sức khỏe em không tốt, lại vừa đi làm và sống ở Hà Nội một mình nhưng mọi người đều ủng hộ em, chỉ khuyên không nên làm việc quá sức", Diệu Thuần tâm sự.
Tốt nghiệp đại học và ổn định sức khỏe sau ca ghép tủy, Diệu Thuần làm công việc đầu tiên là biên kịch phim hoạt hình chương trình VTV "Quà tặng cuộc sống". Chương trình này phù hợp với ước mơ làm thiện nguyện của Thuần. Sau này Thuần còn hỗ trợ truyền thông cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" (thuộc Bộ Y tế) với vai trò là đối tác/cộng tác viên, đồng thời tham gia một số dự án khác hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
Giữ kỉ niệm trong trái tim nhân hậu
Càng tiếp xúc với những em nhỏ, cô càng khó có thể rời xa, dường như những gương mặt ấy, những đứa trẻ nhợt nhạt trên giường bệnh hay những đứa trẻ trọc đầu vì xạ trị, lúc chúng khóc vì đau đớn hay lúc chúng cười... đều khiến cô trăn trở. "Hồ là một em bé vô tư, "ăn to nói lớn", nói to đến mức làm cô và các bạn giật bắn cả người, là "chuyên gia" bắt nạt và tranh đồ chơi của các em. Vậy mà trong lúc ngồi tô màu với các bạn nữ, Hồ đứng sau lưng vuốt tóc cô. Khi quay lại, thấy bạn ấy nhe răng sún ra cười. Thương nhất là lúc Hồ mổ cắt lá lách, bụng còn dán băng nhưng vẫn nói lớn như thường. Có lẽ trẻ con luôn vô tư như thế, hết đau là lại cười đùa. Chỉ mong sao các em không bao giờ phải chịu đau đớn nữa", Diệu Thuần rưng rưng khi kể về đứa trẻ. Cô kể rằng, trẻ con mỗi đứa một tính, nhiều lúc làm cô "điên đầu", nhiều lúc "yêu không chịu được" nhưng cũng có những lúc trái tim lại đau nhói khi bỗng nhiên thấy chúng "lớn lên".
"Hà My cao hẳn lên chỉ sau hơn một tuần không gặp. Nhưng đó không hẳn là tín hiệu đáng mừng, bởi vì không ít em bé bị vụt cao lên như thế vì thuốc... Hà My chỉ có mấy sợi tóc lơ thơ trên đầu, lững thững trước cửa thư viện, không nói năng nửa lời vì đợt truyền hóa chất vừa rồi như vắt kiệt sức lực của em. Thuần ngỏ ý hỏi Hà My và các bạn có thích nhận quà là sách về gấu và tê giác không, các bạn vui vẻ đồng ý. Hà My thì gật đầu yếu ớt. Khi phát tặng sách, Hà My ôm sách vào lòng và nằm dài trên ghế vì mệt quá...". Giọng Thuần trầm hẳn xuống khi nhắc tới bé Hà My. Niềm thương cảm bỗng dâng lên trong ánh mắt, khiến cho đôi mắt chứa nhiều trắc ẩn của Diệu Thuần long lanh ngấn nước.
Dù thế nào Hà My vẫn còn ở đây, nghĩa là vẫn còn hy vọng
"Em có thói quen viết nhật ký về các bạn nhỏ trên facebook, cũng như để tâm sự với các bé, để trải lòng với những vui buồn. Ở bên các em mỗi ngày mới biết, lúc thì vui đấy nhưng bỗng đâu có những khoảnh khắc lặng người. Đằng sau những nụ cười vô tư kia ai biết những bất trắc có thể xảy đến lúc nào?", Diệu Thuần cho biết.
Mỗi ngày qua đi, Diệu Thuần lại cất trong trái tim nhân ái của mình những kỷ niệm bên các em nhỏ, dù kỷ niệm ấy vui hay buồn. Cô tâm sự, càng đến với các em nhỏ tay còn gắn kim truyền, cô thấy những hoạt động của mình không vô ích. Có lúc nhìn thấy những đứa trẻ ấy chăm sóc nhau, đứa lớn bế đứa nhỏ đi chơi dọc hành lang, cô rất xúc động. Điều đó trở thành động lực để cô tiếp tục các hoạt động của mình.