Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình

ĐẠO DIỄN DƯƠNG DIỆU LINH: YÊU NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG PHIM CỦA MÌNH

"Phim của tôi và cả những người phụ nữ trong đó đều không đề cập đến những vấn đề gì quá "đao to búa lớn", mà hầu hết là những băn khoăn, trăn trở hết sức thường ngày. Hơn hết, tôi luôn yêu các nhân vật nữ của mình, mỗi người 1 câu chuyện, 1 số phận nhưng họ đều có nét đẹp riêng, rất phụ nữ, rất Việt Nam".

Năm 2024, bộ phim "Mưa trên cánh bướm" của Diệu Linh nhận được 2 giải tại Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) thuộc Liên hoan phim Venice 2024: Giải Circolo del Cinema Verona (Phim Sáng tạo nhất do các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi bình chọn) và giải IWONDERFULL Grand Prize (Phim hay nhất). 

Trong vòng 3 tháng kể từ ngày ra mắt, bộ phim đã được trình chiếu và tranh giải tại 21 Liên hoan phim lớn nhỏ trên khắp thế giới, đáng kể là giải Grand Jury Prize tại Qcinema (Philippines) và giải Special Mention tại Hongkong Asian Film Festival (Hongkong). 

Phim được mua bản quyền phân phối toàn cầu bởi Barunson E&A (Hàn Quốc), cũng là công ty sản xuất bộ phim "Ký sinh trùng" từng đạt 4 giải Oscar năm 2020.

PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã có buổi trò chuyện với cô trước khi bộ phim được ra mắt tại Việt Nam.

+ Người ta vẫn gọi Linh là đạo diễn trẻ, vậy trong các bộ phim của mình, bạn mang sức trẻ, tư duy trẻ của mình vào nghệ thuật như thế nào?

Tôi cũng không rõ thế nào thì gọi là trẻ (cười), vì từ lâu mình không còn lấy đó làm thước đo trong cuộc sống. Có chăng thì những tư duy tôi mang theo vào trong tác phẩm được lấy cảm hứng từ quan sát và trải nghiệm của bản thân, của thế hệ mình - những đứa trẻ lớn lên trong giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển phức tạp. Tôi được sinh ra ở thời điểm Internet chưa thực sự quá phổ biến, được truyền dạy những hệ giá trị có phần truyền thống và trong quá trình trưởng thành, tôi được quan sát sự phổ cập những giá trị hiện đại, đi cùng nhiều yêu cầu và kì vọng dành cho cả hai giới. Những điều này khiến tôi có nhiều cơ sở để suy ngẫm, đối chiếu và bày tỏ qua phim.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 1.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 2.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 3.

Bộ phim "Mưa trên cánh bướm" đã được trình chiếu và tranh giải tại 21 Liên hoan phim lớn nhỏ trên khắp thế giới

+ Trong các phim của Linh luôn có hình ảnh của phụ nữ, bạn đã lấy chất liệu từ đâu để tạo ra các nhân vật của mình?

Các bộ phim của tôi thường sử dụng những chất liệu có sẵn trong cuộc sống, qua những cuộc hội thoại của những người phụ nữ ngoài chợ, trong quán café, nhà hàng, khu du lịch và cả các buổi tụ tập hội hè lớn nhỏ giữa các gia đình. Tôi thích quan sát những người xung quanh và tưởng tượng câu chuyện về cuộc sống của họ, về điều gì đứng đằng sau phong thái và cách thể hiện bên ngoài của họ.

Phim của tôi và cả những người phụ nữ trong đó đều không đề cập đến những vấn đề gì quá "đao to búa lớn", mà hầu hết là những băn khoăn, trăn trở hết sức thường ngày, qua đó tham chiếu rộng hơn sang những điều đang ám ảnh con người và các mối quan hệ trong xã hội hiện đại. Hơn hết, tôi luôn yêu các nhân vật nữ của mình, mỗi người 1 câu chuyện, 1 số phận nhưng họ đều có nét đẹp riêng, rất phụ nữ, rất Việt Nam.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 4.

Linh yêu các nhân vật nữ của mình, mỗi người 1 câu chuyện, 1 số phận nhưng họ đều có nét đẹp riêng, rất phụ nữ, rất Việt Nam

+ Trong tác phẩm "Mưa trên cánh bướm", bạn mang sự trải nghiệm của tuổi trẻ, của sự từng trải như thế nào vào phim?

Quá trình thực hiện "Mưa trên cánh bướm" từ lúc thai nghén cho đến khi ra mắt khán giả mất gần 5 năm (2019-2024). Đây là một khoảng thời gian khá dài, nửa thập k nên bản thân bộ phim cũng chứng kiến quá trình trưởng thành và thay đổi trong cách nhận thức cũng như tư duy của tôi. 

Tôi mất khoảng 2 năm để phát triển nội dung phim từ một tờ đề cương dài 1 trang cho tới khi nó là một kịch bản hoàn chỉnh, thông qua các trại sáng tác như Less Is More (LIM), Full Circle Lab, Attagirl. 

Sau đó là 1 năm cùng nhà sản xuất đưa phim đi tham dự các chợ dự án như Hongkong Asian Film Financing Forum, Udine Far East Focus Asia, Berlinale Talent Project Market, Locarno Open Doors Hub. Thời điểm đó dịch Covid-19 vẫn hoành hành nên hầu như mọi sự kiện đều diễn ra từ xa, khiến cho trải nghiệm của tôi cũng bị hạn chế phần nào. Chúng tôi tốn thêm hơn 1 năm để kêu gọi vốn và khởi quay đầu tháng 9/2023. Đúng 1 năm sau đó, bộ phim ra mắt tại LHP Venice 2024.

Như tôi đã đề cập thì quá trình sáng tạo của bộ phim cũng song song với những trưởng thành trong nhận thức của tôi về quan niệm giới, hôn nhân và gia đình, những áp lực và khuôn mẫu của xã hội lên cả hai giới nam và nữ. Những điều này phần nào được tôi đưa vào trong bộ phim.

+ Vì sao bạn thường xây dựng nhân vật phụ nữ của mình là những người lo toan, vất vả và nghị lực như vậy?

Tôi nghĩ là sẽ rất khó để nhìn quanh và tìm được một người phụ nữ ở xã hội hiện đại mà không vất vả, lo toan, nghị lực, hay ít nhất là đang phải đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân trên một khía cạnh nào đó. Họ hiện lên trong bộ phim cũng tự nhiên vậy thôi.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 5.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 6.

Linh là một người có gu rất yêu thời trang

+ Làm nghề phải sống được bằng nghề, còn với Diệu Linh thì sao, bạn có sống được bằng nghề làm phim của mình không?

Có lẽ bất cứ ai làm nghệ thuật thì cũng sẽ có một thời điểm phải đối mặt với bài toán cơm áo gạo tiền. Bản thân tôi cũng không phải là ngoại lệ và thường xuyên phải tìm cách cân bằng giữa những công việc có thể đem về thu nhập với thời gian trau dồi kiến thức, giữ lửa nghệ thuật trong mình. Nghe thì có vẻ… khó khó nhỉ nhưng khi có một ước mơ và lý tưởng sống luôn âm ỉ trong đầu thì tự nhiên bản thân sẽ có một lực đẩy khiến mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

+ "Mưa trên cánh bướm" được hoan nghênh tại nước ngoài, bạn có tự tin phim sẽ hút khán giả Việt Nam đến rạp không?

Tôi tin là một tác phẩm nghệ thuật sau khi đã ra đời và đến với công chúng thì nó thuộc về công chúng và nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Tôi hy vọng khán giả quê nhà có thể tìm thấy sự đồng cảm và nhận ra bản thân mình thấp thoáng đâu đó qua những nhân vật mà tôi và các đồng sự đã xây dựng trong bộ phim này.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Yêu những người phụ nữ trong phim của mình- Ảnh 7.

Diệu Linh hy vọng khán giả quê nhà sẽ đón nhận bộ phim của mình

+ Khi làm phim, Linh có xác định bộ phim đó sẽ làm để đi dự thi không và bạn có quan tâm đến gu của các giải thưởng để xây dựng hướng nhân vật của mình theo đó?

Sẽ là nói dối nếu như tôi bảo rằng khi làm phim, tôi không nghĩ đến việc gửi đi tham dự LHP, có ai sáng tạo nghệ thuật mà không mong đứa con của mình được đón nhận cơ chứ! Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là mình phải uốn nắn nhân vật hay câu chuyện của mình cho hợp "gu" của bất cứ LHP nào. Chính các LHP đang cạnh tranh với nhau để tìm kiếm những tiếng nói độc đáo và mới mẻ, vậy thì việc gì chúng ta phải hoà tan mình thành một thứ gì đó thời thượng nhưng nhạt nhoà?

+ Linh có dự định nào cho năm 2025 sắp tới?

Hiện tại tôi đang theo học Thạc sĩ ngành Điện ảnh và Sáng tác văn học tại Canada. Năm 2025 hy vọng sẽ là một khoảng nghỉ ngơi để tôi có thể tập trung đọc, viết lách và trau dồi bản thân cho hành trình sáng tạo trong tương lai.

+ Cảm ơn Linh đã chia sẻ, chúc bạn tiếp tục gặt hái nhiều thành công!

Đạo diễn Dương Diệu Linh sinh năm 1990, là cựu học sinh Trường THPT Thăng Long, Hà Nội. Cô là 1 trong số 3 nhà làm phim trẻ có phim giành giải cao tại các liên hoan phim uy tín thế giới, bước ra từ dự án phim ngắn CJ.

An Khê (thực hiện)