pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đạo diễn lão thành kể chuyện “được sống” trong chiến tranh
Hồi ký "Tôi được sống" của Nguyễn Ngọc Hiến
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, người chiến sĩ từng 2 lần vượt Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt, đã viết lại câu chuyện của chính mình trong cuốn truyện ký "Tôi được sống" (tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh 2023).
Nguyễn Ngọc Hiến (Tư Diệu) quê Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc năm 1954. 10 năm sau, anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Toán và như bao thanh niên bấy giờ, anh làm đơn xin đi chiến trường miền Nam, trở về chiến đấu cho quê hương mình.
Đến Trung ương Cục, theo nguyện vọng được về chiến trường ác liệt nhất, anh được bố trí xuống khu Sài Gòn Gia Định căn cứ ở Củ Chi làm công tác giáo dục, sau chuyển qua điện ảnh. Anh được Ban Tuyên huấn Phân khu 1 giữ lại bám trụ làm phóng viên báo Khởi nghĩa và Phân xã Thông tấn.
Tháng 7/1970, anh bị thương nặng, được đưa ra Bắc điều trị và được Ban Tổ chức Trung ương Cục giao nhiệm vụ kết hợp dẫn đoàn thiếu nhi K124 vượt Trường Sơn ra Bắc học tập.
Hòa bình lập lại, mang theo những vết thương nặng khắp cơ thể với gương mặt bị biến dạng bởi chiến tranh, anh trở về, trở thành đạo diễn điện ảnh, truyền hình nổi tiếng và là Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Từ đây, anh viết tiếp những trang mới cuộc đời bằng những thước phim và câu chữ…
Ở những vị trí công việc, những trải nghiệm đáng quý ấy, Nguyễn Ngọc Hiến có nhiều chất liệu để khi kể lại những tháng ngày đã qua trên trang sách, không cần bằng biện pháp nghệ thuật nào, chỉ bằng sự thật cũng đủ sức hấp dẫn độc giả.
Những tư liệu quý vượt thời gian
Tôi được sống bắt đầu bằng những ngày tháng sống trong chiến dịch Mậu Thân khắc nghiệt. Những lần đứng bên bờ vực sinh tử như: bị đạn bắn nát mặt, vết thương bị hoại tử không thể khâu, rơi lọt giữa hầm chông, đạp phải dây mìn suýt nổ, hôn mê sâu tưởng như chết đi sống lại nhiều lần…
Bên những cơn đau đến mê man bất tỉnh luôn là ân tình của đồng đội, của du kích địa phương, các má, các chị mà người lính vẫn cảm nhận rất rõ kể cả khi đối mặt với tử thần: "Đêm hôm đó, má Hai thức trắng đêm may cho tôi một bộ quần áo mới và chiếc gối mới…".
Câu chuyện của Tư Diệu không phải là câu chuyện của riêng cá nhân, mà của bất cứ người chiến sĩ quả cảm nào đã sống trong lòng chảo lửa đất thép Củ Chi, Tây Ninh vào những năm tháng chống Mỹ khốc liệt, của bất kỳ ai bước chân trên dải Trường Sơn trong những tháng ngày chiến tranh.
Tư Diệu chia sẻ: "Chúng tôi được nhân dân che chở để bám trụ và cứu sống khi bị thương. Công ơn trời biển và thầm lặng của các mẹ, các chị, của chiến sĩ và nhân dân miền Nam...". Chính vì điều giản dị mà hết sức thiêng liêng đó, ông cố gắng ghi chép tư liệu, thể hiện bằng những truyện và ký mà mình khắc ghi trong lòng sau hàng chục năm cuộc chiến đấu đi qua. Ghi dấu lại quãng thời gian sống trong những tháng ngày hào hùng và sự đùm bọc che chở của nhân dân, ông hy vọng giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc chiến đấu hy sinh anh dũng của các chiến sĩ và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ở tuổi 80, việc ghi chép lại những câu chuyện của hơn 50 năm về trước là thử thách với một người đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, là thương binh hạng 3/4. Ông chia sẻ: "Viết là một công việc khó nhọc không khác gì một trận chiến phải đối mặt vượt qua bằng sự kiên trì nhẫn nại từng chút một. Nhưng tôi thật sự hạnh phúc khi được chia sẻ những hồi ức của mình đến bạn đọc".
Xuyên suốt tác phẩm truyện và ký Tôi được sống, lối viết thật thà cùng những góc nhìn bao quát, sinh động đầy kinh nghiệm của một đạo diễn có tiếng, thêm những tư liệu hình ảnh quý mà ông giữ được đã làm nên hồn cốt cho tác phẩm. Đọc Tôi được sống, có thể nhìn thấy sau những trang sách là những tư liệu quý như kỷ vật, có sức sống vượt thời gian. Sẽ không quá lời khi ví Tôi được sống như một không gian bảo tàng về những tháng năm khốc liệt được dựng bằng chữ và hình ảnh mà đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến tạo dựng theo cách của mình.