pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Đào, phở và piano” có gì hot?
Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano"
Điều gì trong "Đào, phở và piano" hút khán giả?
Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất, với kinh phí lên đến 20 tỷ đồng.
Thông thường dòng phim đặt hàng sẽ không vào "tầm ngắm" của phần đông khán giả ra rạp nhưng những ngày gần đây, Đào, phở và piano bỗng trở nên sốt với hàng loạt thông tin như cháy vé, sập web vì đặt vé, khán giả xếp hàng, tăng suất chiếu, mở rộng cụm rạp…
Nội dung bộ phim tái hiện không khí trong 60 ngày đêm của Toàn quốc kháng chiến từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Trong những ngày khói lửa ấy, tinh thần, cốt cách của người Hà Nội xưa vẫn được khắc họa rõ nét. Đó là mối tình mãnh liệt của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) với cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), là người họa sĩ già với ước mơ vẽ một bức tranh để đời, là vợ chồng người bán phở trong hoàn cảnh nguy nan vẫn mong làm được một bát phở đúng vị...
Với nội dung bộ phim như thế, nhiều khán giả đánh giá rằng không đủ sức hút để khiến bộ phận giới trẻ xếp hàng tranh giành vé, chứ chưa nói là việc sẽ cháy vé như hiện nay. Thậm chí ngay cả khi doanh thu lẹt đẹt chỉ với hơn 1 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu, nhưng Đào, phở và piano vẫn được đem so sánh độ hot với phim Mai đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
Theo nhiều ý kiến khán giả lý giải, một lý do khiến bộ phim được chú ý là: Trong dàn diễn viên tham gia, ngoài tên tuổi gạo cội như NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực... nhiều người cũng tò mò với diễn xuất điện ảnh của Doãn Quốc Đam - gương mặt ăn khách của phim giờ vàng. Hay sự xuất hiện của gương mặt mới như Cao Thị Thùy Linh, ca sĩ Tuấn Hưng trong phim cũng là một điểm "kéo" khán giả đến rạp.
Còn những điểm trừ trong "Đào, phở và piano"
Tuy nhiên, sau hàng loạt những yếu tố gây tò mò kéo khán giả ra rạp, nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng phim ngoài nội dung ý nghĩa thì còn khá nhiều điểm trừ. Cụ thể, phim được đầu tư 20 tỷ đồng nhưng bối cảnh trông "giả trân" đến mức không thể cảm nhận được bất kỳ không gian nào là thật mà có phần y hệt mấy cái phim trường chụp ảnh cưới theo concept đổ nát.
Phần dựng phim, cách chuyển cảnh và tiết tấu đều… không ổn. Trong khi những cảnh về khu phố rất đẹp song khu chiến lũy lại hơi giả, tạo cảm giác giống sân khấu kịch. Một số đoạn chuyển cảnh không được mượt mà gây đứt mạch cảm xúc khán giả. Chưa kể đến việc hình ảnh bát phở bò gây ám ảnh đến khó chịu khi xuất hiện tầm 4-5 lần, mỗi lần đều có hiệu ứng ánh sáng trắng, kèm thứ âm nhạc khó hiểu dẫn đến liên tưởng quảng cáo món phở Hà Nội.
Bên cạnh đó, có khán giả cũng đặt lên bàn cân Đào, phở và piano cùng một bộ phim thuộc dòng đặt hàng khác là Hồng Hà nữ sĩ và nhận định: "Cá nhân mình đã xem cả 2 phim và thực sự thấy Hồng Hà nữ sĩ tốt hơn hẳn nhưng lại chịu lép vế về hiệu ứng truyền thông đối. Điều khiến mình quan ngại nhất, đó chính là khi Đào, phở và piano được chiếu rộng rãi toàn quốc sau khi "cháy vé" và các thông tin bên lề như một sự kiện đáng chú ý kia, liệu khán giả xem xong có bị thất vọng, chán nản và mất hẳn niềm tin vào thể loại phim này không? Và liệu nếu phim không làm đủ tốt với lý do thiếu kinh phí, thì biết trước sẽ không tốt làm ra để làm gì?"; "Chưa nói đến dạng phim "cúng cụ" không đủ sức lôi kéo số đông khán giả ra rạp mà đơn giản chỉ nhìn vào doanh thu là có thể thấy Đào, phở và piano đã không "có cửa" so với Mai. Chẳng hiểu sao có nhiều bài viết lại giật title "đè bẹp", "vượt mặt"... Thật khó hiểu!"...
Nhìn nhận từ giới chuyên môn
Trước "cơn sốt" cháy vé và hiệu ứng mạng xã hội, dưới góc độ truyền thông, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ quan điểm: "Phim Đào, phở và piano được chiếu ở một cụm rạp và bán hết vé nhưng được nâng tầm lên thành "cháy vé" rồi so sánh với phim Mai để "hưng phấn" là đang "tự sướng" quá đà.
"Cháy vé" mà số đông đang hiểu nó không phải nội hàm chữ "cháy vé" mà truyền thông đang dùng cho phim Đào, phở và piano, càng không có cơ sở để đốt lên giấc mơ trăm tỷ. Phim Đào, phở và piano cần gọi cho đúng là "cháy vé cục bộ".
Ở phương diện marketing và truyền thông, hiện tượng này chỉ phản ánh một việc là nó được đón nhận bởi tệp khách của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, hợp gu với tệp khách đó, ở khu vực địa lý đó mà thôi. Đừng nghĩ rằng với sự "cháy vé cục bộ" ấy thì mang đi phát hành toàn quốc con số chưa đến 1 tỷ doanh thu kia sẽ x1.000 lần lên theo số lượng rạp.
Giống như rất nhiều diva, divo miền Bắc không được đón nhận ở miền Nam; hay rất nhiều "ông hoàng bà chúa" nhạc miền Tây ra Hà Nội diễn nhận về hờ hững. Việc đó rất bình thường vì gu thưởng thức âm nhạc không có giống nhau ở mọi nơi. Với phim ảnh thì cũng vậy. Chừng nào phát hành toàn quốc mà cháy vé, mới thực sự là cháy vé".
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - lại có cái nhìn lạc quan về dòng phim "đặt hàng" này: "Việc Đào, phở và piano cũng như Hồng Hà nữ sĩ ra rạp lần này và được đón nhận bởi đông đảo khán giả đã chứng minh rằng hoạt động phát hành đối với những bộ phim do Nhà nước đặt hàng có ý nghĩa quan trọng thế nào. Thực tế cho thấy, phim Nhà nước đã nhận được sự quan tâm của khán giả, có thị trường và giúp làm đa dạng hơn thị trường điện ảnh, tạo điều kiện cho khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn…".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: "Cần có chính sách khuyến khích để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim Nhà nước đặt hàng. Chỉ có như vậy, các tác phẩm này mới không bị lãng phí về đầu tư và quảng bá tốt hơn những giá trị nhân văn, lịch sử cách mạng đến với đông đảo công chúng, đúng với mong muốn đặt hàng của Nhà nước".
Ông Nguyễn Minh Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phim truyện I, Giám đốc sản xuất Đào, phở và piano bày tỏ mong muốn phim sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, cũng như việc Nhà nước chú trọng đầu tư kinh phí thích đáng cho việc phát hành, quảng cáo, quảng bá cho các bộ phim đặt hàng.
"Có được sự quan tâm đúng mức, chính sách phù hợp thì điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển và trở thành ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế…", ông Phương bày tỏ.