pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đầu bếp Ý yêu Việt Nam và chuyện "ông Tây nấu phở"
"Ông Tây" yêu phở
"Hai phở tái", Thu Trang (34 tuổi) nói vọng vào bếp. Manuel (49 tuổi) nhanh chóng trụng bánh phở rồi thoăn thoắt xắt thịt. Nồi nước dùng vẫn sôi sùng sục, mùi thơm lúc này đã toả ra khắp gian bếp. Chỉ mất khoảng 4 phút, anh đã có thể đặt tô phở đầy đặn thịt bò, hành, rau thơm trên quầy.
Manuel từng là đầu bếp nhà hàng 5 sao, làm việc ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Malaysia… Anh đã vinh dự trở thành người nấu ăn cho công nương Diana ở London, vua Tây Ban Nha cùng nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng khác.
Năm 2015, Manuel lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Anh nhớ lại: "Tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bụng đói cồn cào và phải đi tìm thức ăn. Phở là món đầu tiên mà tôi thưởng thức. Món ăn này khiến tôi phải thốt lên rằng: Quá tuyệt vời! Trong vài tháng đầu ở Việt Nam, tôi đã đi ăn phở khắp nơi trong thành phố, từ nhà hàng lớn đến quán ăn vỉa hè".
Thu Trang, bạn gái Manuel, vẫn nhớ những ấn tượng ban đầu về anh: "Một ông Tây hiền lành, chịu khó và đặc biệt thích phở". Cô gái gốc Quãng Ngãi đã hướng dẫn bạn trai cách nấu món ăn truyền thống này.
Trang tâm sự: "Nhà bếp của Manuel chỉ có vài lọ muối, tiêu, bơ đơn giản. Lúc học nấu, anh ấy cũng "choáng" với hàng chục loại gia vị khác nhau. Manuel viết tên từng loại quế cây, hoa hồi, thảo quả, hạt ngò… lên tấm bảng để học. Tôi còn nhớ, rất khó khăn để anh ấy có thể phân biệt được tên phở tái, nạm, gầu và gân".
Manuel mất 6 tháng để học nấu phở. Trong quá trình, lần tranh cãi gay gắt nhất là khi chàng đầu bếp người Ý quyết không dùng bột ngọt khi ninh nước dùng. Theo anh, xương bò sẽ có vị chát nhẹ, cả hai quyết định dùng 100% thịt bò cùng rau củ để tạo độ ngọt tự nhiên, thay cho bột ngọt.
Tiệm phở "ông Tây" cũng từ đó mà ra đời. Suốt 7 năm qua, Manuel đều đặn thức dậy vào lúc 5h sáng để nhặt rau, thái hành, nấu nước súp. Khách đến ăn vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh người đàn ông phương Tây cao lớn, hì hục với nồi nước dùng thơm lừng, chăm chút từng miếng thịt, cọng rau thơm.
Hạnh phúc khi ở Việt Nam
Trang kể, do nhiều lí do khác nhau, tiệm phở của cô đã 4 lần dời chỗ nhưng khách hàng trung thành vẫn cứ tìm đến. "Chúng tôi có khoảng 80% khách hàng là người nước ngoài, 20% là người Việt Nam. Đa phần, họ bày tỏ sự thích thú trước phần nước dùng có vị ngọt thanh", cô nói.
Tiệm phở là tâm sức của cặp đôi trong suốt nhiều năm. Trang còn nhớ lần chuyển nhà gần nhất, cô đã làm việc cùng thợ xây suốt một tháng. Cô tự tay trang trí từng vách tường, đóng bàn gỗ, cắm hoa… Trang về quê mang lên chục khúc tre nhỏ để lắp vào cửa, ôm theo chục ký bắp khô của người dì để treo trước cổng. Cô muốn khi bước vào tiệm, khách hàng sẽ thấy được những món đồ gần gũi, thân thương nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, Manuel dành nhiều thời gian ở bếp hơn. Mẹ Trang mỗi tuần sẽ gửi cho cả hai khoảng nửa con bò. Chàng đầu bếp gốc Ý đã tự tay phân loại từng tảng khác nhau: gầu bò, gân bò, thăn bò…
Anh nhớ lại: "Thi thoảng, tôi cũng gặp vài "tai nạn" đáng nhớ. Có lần, một người khách vào gọi tô "nạm bắp", tôi cứ tưởng là "năm bắp". Tôi liền vào bếp nấu cho anh ấy 5 tô phở bắp bò. Khách thấy các tô phở bày trước mắt vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Thú thật, tôi vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt tên gọi. Tôi sẽ cố gắng cải thiện điều này trong tương lai".
Những khách hàng người Việt Nam cũng bày tỏ sự thích thú khi ăn phở do "ông Tây" nấu. Tuần trước, có người cha từ Gia Lai đưa con vào TP.HCM làm thủ tục nhập học cũng đã ghé ăn phở của Manuel. "Tôi đã thấy tiệm trên tivi nên tò mò muốn để thử xem thế nào. Vị khá ngon đấy", người này bày tỏ với Trang.
Bên cạnh đó, nhiều người từ Nghệ An, Thanh Hoá, Đắk Lắk… có dịp đến TP.HCM cũng đã tìm đến tiệm phở của cặp đôi Ý – Việt để thưởng thức. Manuel cho biết, anh chưa bao giờ hối hận khi từ bỏ công việc có thu nhập hàng chục nghìn đô la để bán phở.
"Tôi đã chu du khắp châu Á và chọn ở lại Việt Nam. Tôi có tình yêu với một cô gái người Việt, một tiệm phở nho nhỏ để giới thiệu nó với bạn bè quốc tế. Đối với tôi, nó là một niềm hạnh phúc", Manuel nói.