Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và sốt thường

16/07/2017 - 17:50
Sốt xuất huyết hiện đang tăng rất nhanh ở Hà Nội, nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, sốt xuất huyết và sốt virut có nhiều dấu hiệu giống nhau. Vậy dấu hiệu nào để phân biệt các loại sốt này?
Theo bác sĩ Bùi Mai Hương (BV Bạch Mai) sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian là muỗi vằn và muỗi hổ châu Á.

Khi bị SXH, bệnh nhân thường sốt cao liên tục 3- 4 ngày, ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy. Sốt trong bệnh SXH khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu và khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ và hay kèm nôn, chân tay lạnh.

 Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng, nhất là trẻ em. Vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Đối với bệnh sốt phát ban, hầu hết các trường hợp bắt đầu với triệu chứng sốt cao từng cơn (thân nhiệt có thể tăng lên 39 - 400C) và xuất hiện ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, có thể nôn mửa và phát ban đỏ. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt.
st-xut-huyt.jpg
Phun thuốc diệt muỗi để phòng SXH

  Nếu nguyên nhân gây sốt là do virut đường tiêu hóa, có thể sớm xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa (phân lỏng, nhầy, không có máu và có thể nôn ói sau khi ăn). Hầu hết bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh thường hết sốt, ăn được, da có thể bị nổi phát ban 3 -5 ngày rồi lặn.

Theo bác sĩ Hương, để phân biệt SXH với sốt phát ban, cách đơn giản nhất là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là SXH. Ngoài ra, 2 tiêu chuẩn để nghĩ đến SXH là sốt cao đột ngột và xuất huyết. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu có thể giảm, tiểu cầu giảm rõ, tốc độ lắng máu tăng.

Cũng theo bác sĩ Hương, khi bị SXH bệnh nhân vẫn có thể mắc lại vì SXH ở nước ta có 4 týp huyết thanh khác nhau. Nếu mắc bệnh loại nào, lần sau sẽ không mắc loại đó nhưng vẫn có thể mắc 1 trong 3 loại còn lại.

Trong quá trình điều trị, nếu người bệnh dùng thuốc hạ nhiệt phải hết sức thận trọng. Theo đó, chỉ nên dùng loại paracetamol đơn chất, không dùng aspirin, efferalgan,...tốt nhất là chườm mát ở trán, nách, bẹn để hạ nhiệt. Nếu dùng thuốc paracetamol đơn chất cũng phải theo dõi bởi sau vài ngày sốt cao, thân nhiệt có thể bắt đầu giảm, nếu vẫn dùng thuốc hạ nhiệt sẽ nguy hiểm cho người bệnh.

Khi đang bị sốt cao trong SXH cần bù nước và chất điện giải. Ngoài ra nên uống thêm nước cam, chanh tươi, nước ép các loại quả.

Nếu thấy có dấu hiệu khác thường cần cho người bệnh đi bệnh viện ngay, nhất là trẻ em (chân tay lạnh, da lạnh ẩm, vật vã, bứt rứt khó chịu, đau bụng, mạch nhỏ, tiểu ít, huyết áp tụt hoặc kẹp).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm