Đẩy cái nghèo đi xa sau một lớp dạy nghề

Phạm Hoài
13/11/2022 - 16:03
Đẩy cái nghèo đi xa sau một lớp dạy nghề

Chị Nhâm (bìa phải) chia sẻ niềm vui kinh doanh bước đầu thuận lợi với bà Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN phường Thới An, quận 12.

Chị Nguyễn Thị Nhâm (37 tuổi, phường Thới An, quận 12, TPHCM) đã tìm lại niềm tin sau khi tham gia lớp nghề “Kỹ thuật làm bánh”, do hội LHPN quận 12 tổ chức. Giờ đây, chị đã mở được tiệm bánh của riêng mình, tự tin bước tiếp trên con đường phía trước và không lo cái nghèo đeo bám vì bệnh tật.

Năm 2022, Hội LHPN quận 12 mở lớp dạy nghề "Kỹ thuật làm bánh", mời giáo viên Trường Trung cấp Lê Thị Riêng đứng lớp. Chương trình học tập kéo dài 3,5 tháng với số lượng 30 người. Học viên đa số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, phụ nữ khuyết tật có mong muốn học nghề. Khi lớp bế giảng vào đầu tháng 9 vừa qua, chị Nhâm trở thành học viên đầu tiên bước chân vào con đường kinh doanh với tiệm bánh nhỏ đặt tên là "Nhím – my tea".

Gặp khó vì bạo bệnh

PV: Xin chào chị Nhâm, chúc mừng chị vừa khai trương "Nhím – my tea". Khi bước chân vào con đường kinh doanh, chị thấy tình hình có khả quan không?

Dọc theo tuyến đường Nguyễn Thị Kiêu (Thới An, quận 12, TPHCM) này đã có nhiều quán xá nên Nhím thuộc loại "sinh sau đẻ muộn". Hai tháng nay, khách đến Nhím chủ yếu là anh chị em đồng nghiệp cũ của tôi và cán bộ, hội viên phụ nữ phường, quận. Mọi người thương quý mua ủng hộ rồi giới thiệu rộng ra trên các kênh facebook, zalo cá nhân, fanpage Hội, nhờ vậy, dù chưa đông khách nhưng mỗi ngày tôi đều có đơn hàng, thu về trung bình 500.000 đồng/ngày.

Đẩy cái nghèo đi xa sau một lớp dạy nghề  - Ảnh 1.

Chị Nhâm đã tìm thấy niềm vui bên những chiếc bánh sau thời gian dài suy sụp vì bệnh tật.

PV: Được biết, chị đã phải trải qua cơn bệnh quái ác và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chị có thể chia sẻ lại giai đoạn đó được không ạ?

Quê tôi ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tỉnh). Tôi vào TPHCM học tập và làm việc. Tôi từng công tác tại Phòng Tài nguyên – Môi trường quận 12 với thời gian hơn 10 năm. Nếu không vì mắc phải căn bệnh quái ác trong người, có lẽ đến giờ tôi vẫn còn ở đó với anh chị em.  

Năm 2016, tôi thường bị đau đầu dữ dội, huyết áp cao bất thường, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Đi khám, tôi được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận. Bác sĩ khuyên bên cạnh uống thuốc đều đặn, tôi cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho phù hợp, ăn nhạt hơn và tập yoga mỗi ngày. Tôi cố gắng tuân thủ hoàn toàn nếp sống mới đó, song những cơn đau không thuyên giảm, ngược lại còn có dấu hiệu trầm trọng hơn.

Đến năm 2019, qua nhiều lần thăm khám, bác sĩ kết luận tôi bị suy thận giai đoạn 4, phải chuyển từ uống thuốc sang điều trị thay huyết tương hai đợt, cuối cùng là chạy thận ba lần mỗi tuần. Đến cuối năm 2019, bác sĩ thông báo tôi cần được ghép thận. Chưa nói những lo lắng khác, chỉ mới nghe chi phí phẫu thuật lên tới hơn 500 triệu đồng, tôi đã choáng váng, cảm giác như mình có lỗi và đang là gánh nặng quá lớn với gia đình.

Ba mẹ tôi đều làm nông, thu nhập chỉ trông chờ đồng lúa mỗi năm hai vụ. Mà, miền Trung bão lũ triền miên, có năm chưa kịp thu hoạch đã mất trắng. Các em tôi cũng mới ra trường đi làm, đâu dư dả gì. Ngay khi hay tin tôi đổ bệnh, ba mẹ bỏ hết nhà cửa đồng áng, cùng vào TPHCM chăm con.

Về quả thận, cả ba và em trai út đều giành phần hy sinh. Em trai tôi đang ở độ tuổi 20, chưa lập gia đình. Vậy nên, ba tôi rất kiên quyết để ba hiến thận. Ba nói: Bản thân đã ngấp nghé 60 tuổi, không có gì luyến tiếc, chỉ cần các con vui, khỏe, đau đớn hay thiệt thòi thể chất chẳng có gì nghiêm trọng với ông. Cuối cùng, ba là người vào phòng phẫu thuật cho tôi một quả thận vào tháng 6/2020. Cùng với sự giúp đỡ của gia đình, cơ quan, anh chị em đồng nghiệp, tôi đã được ghép thận thành công.

Đẩy cái nghèo đi xa sau một lớp dạy nghề  - Ảnh 3.

Chị Nhâm vui vẻ khi tự làm chủ với của hàng "Nhím - my tea"

Hiện tại, mỗi tháng tôi đều phải vào bệnh viện tái khám ít nhất một lần và uống thuốc chống đào thải thận ghép suốt đời. Sau phẫu thuật, sức khỏe ba tôi cũng yếu dần. Nhưng vì thương con và mong muốn trả sớm khoản nợ đã vay mượn cho việc điều trị, ba tôi cũng thường vào TPHCM làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập. Nhìn vào tình cảnh gia đình, lòng tôi trĩu nặng, chỉ muốn phụ mọi người một tay. Có bằng cấp và kinh nghiệm chuyên môn, nhưng với sức khỏe hiện tại, tôi biết mình không thể hoàn thành nhiệm vụ trong một cơ quan, xí nghiệp nào. Tôi nghĩ kinh doanh tự do là lựa chọn phù hợp nhất với mình, vì vậy mà Nhím ra đời.

"Nhím – my tea" - kết quả của nhiều ân tình

PV:  Mở tiệm khi trong tay không có vốn, chị đã xoay sở ra sao?

Nhím là kết quả của rất nhiều ân tình mà tôi may mắn nhận được. Đó là sự trợ sức của Hội LHPN địa phương, là sự động viên của người chồng, gia đình và bạn bè

Hội LHPN quận 12 đã cho tôi học nghề miễn phí ở lớp dạy nghề "Kỹ thuật làm bánh". Bên cạnh học chuyên môn, các chị còn chỉ cách cho tôi làm ăn, tìm cho con đường để không rơi vào nghèo khó, túng quẫn, tự tin tìm lại chính mình sau những khó khăn.

Hội LHPN phường Thới An tặng chiếc tủ lớn bày biện bánh, chè. Hỗ trợ cho tôi có những đơn đặt hàng ban đầu. Những vật dụng còn lại như kệ ly, lò nướng công nghiệp và máy đánh bột thì tôi mua lại đồ cũ của người quen nên giá cũng rẻ. Tiền thuê mặt bằng hiện tại là 3 triệu đồng/tháng, tôi lo được. Tôi phụ trách nhận đơn, đứng bếp, chồng coi tiệm, kiêm luôn chạy xe giao hàng. Xác định mình ít vốn nên vợ chồng tôi tự thân vận động, chừng nào doanh thu khá hơn mới thuê nhân viên.

Đẩy cái nghèo đi xa sau một lớp dạy nghề  - Ảnh 4.

Các cán bộ Hội LHPN địa phương ghé tiệm thăm, động viên chị Nhâm.

Đặc biệt, nhờ tình yêu từ chồng, tiếp thêm cho tôi nghị lực để vươn lên. Từ trong tai ương, tôi đã gặp anh, người mà giờ đây ba tôi hay gọi là "Con rể tuyệt vời của ông".

Tôi và anh biết nhau thời tôi còn học bổ túc văn hóa, chỉ là bạn thôi chứ không có tình ý gì. Bẵng đi nhiều năm, chúng tôi không gặp nhau. Nhưng khi biết tôi bệnh, anh nhắn tin hỏi thăm rồi chủ động vào bệnh viện chăm sóc. Mặc cho tôi có ý xa lánh, anh vẫn kiên trì mỗi ngày. Nhất là sau ca phẫu thuật ghép thận, cứ 3 – 5 ngày, tôi lại nhập viện một lần, anh luôn ân cần đưa đón, kề cận lo từng viên thuốc, chén cháo.

Đầu năm 2021, chúng tôi chính thức nên duyên vợ chồng. Trước đây, chồng tôi làm hợp đồng bán hàng với công ty chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử. Do tôi ra vào bệnh viện suốt, công việc của anh cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi tha thiết gầy dựng Nhím cốt là để hai vợ chồng được làm việc cùng nhau, hễ tôi mệt là có anh bên cạnh đỡ đần.

"Nhím – my tea" giờ đây là kế sinh nhai, là "đứa con" tinh thần của chúng tôi. Sản phẩm của tiệm hiện nay gồm có các loại trà trái cây, chè truyền thống ba miền và bánh.

Xin cảm ơn chị và chúc cho Nhím ngày càng đông khách!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm