Đề án 20 ngàn tiến sĩ nghiệm thu chưa mà lại đề xuất 9 ngàn tiến sĩ?

13/11/2017 - 16:59
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi về đề án 20 ngàn tiến sĩ năm 2011 đã nghiệm thu chưa mà Bộ GD&ĐT lại đề xuất dự án mới đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12 ngàn tỷ đồng.

Đề án 20.000 tiến sĩ, ai nghiệm thu?

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Thông tin được dư luận quan tâm là Bộ sẽ chi 12.000 tỉ đồng để “cho ra lò” khoảng 9.000 tiến sĩ (TS).

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tỏ ra lo ngại trước đề án này. Ông băn khoăn rằng đề án 911 đào tạo 20.000 TS năm 2011 đã có ai nghiệm thu hay chưa?

Chuyên gia giáo dục lo ngại về chất lượng đào tạo TS không như mong muốn. Ảnh minh họa 

“Chưa rút kinh nghiệm từ đề án 20.000 TS mà đã làm một đề án mới, đây là điều đáng suy nghĩ! Theo tôi Bộ GD&ĐT cần phải xem lại chất lượng của đề án này để xem có bao nhiêu TS thật và bao nhiêu “TS giấy”? Nếu không có đánh giá toàn diện đề án này thì chưa nên đề xuất vội một đề án mới cũng hoành tráng không kém như thế” - ông nói.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, lý do thiếu TS là chưa thuyết phục, bởi thực tế, tuy thiếu TS nhưng lại thừa… TS giấy. Nếu cứ làm thêm một lô TS giấy nữa thì dư luận bất bình là không khó hiểu.

“Tất nhiên, có nhiều TS là tốt nhưng phải là TS thực chất, đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo. Vừa qua tôi thấy có quá nhiều TS các thể loại rồi, từ chính trị học, giáo dục học, tâm lý học, xã hội học, đến cả TS quản lý phường xã nữa... Đào tạo bát nháo mà không đáp ứng được nhu cầu thì quá lãng phí!” - ông nhấn mạnh.

Không phải cứ đào tạo nước ngoài là “ngon lành”

Cho rằng Bộ GD&ĐT cần hết sức thận trọng với đề án này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đồng thời yêu cầu việc thực hiện đào tạo phải siết chặt đầu vào, cơ sở đào tạo, đồng thời có chế tài mang tính “đòn bẩy” đối với các nghiên cứu sinh.

“Tuyển đầu vào TS cần lựa chọn những nơi nào thực sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu đang thiếu. Bộ GD&ĐT cũng cần tìm hiểu kỹ nơi nào đào tạo chất lượng, bởi không phải cứ nói đào tạo nước ngoài là nơi nào cũng “ngon lành”, cần tìm được đúng địa chỉ đào tạo TS nghiêm túc!” - ông lưu ý.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lo ngại chất lượng đề án 9.000 TS do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Một điều được PGS Trần Xuân Nhĩ lưu tâm là cần tính đến “đầu ra” của TS, bởi thực tế là không ít giảng viên sau khi đạt trình độ TS xong là sẵn sàng… “bay” đi nơi khác hấp dẫn hơn.

“Phải nghĩ đến chế tài để khi học xong buộc họ quay về phục vụ nơi cử họ đi học. Phạt trả lại tiền học chưa đủ, theo tôi cần phạt gấp 2, 3 lần số tiền mà cơ sở đã chi trả cho các nghiên cứu sinh. Có thực tế là không ít TS chấp nhận trả lại tiền học để sẵn sàng đi nơi khác” - ông Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Đề án cần chú ý nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên có trình độ cao, thay vì chạy theo số lượng, bởi nếu đủ người mà chất lượng không đủ thì chỉ có lãng phí mà thôi.

“12.000 tỉ trong bối cảnh đất nước khó khăn không phải là số tiền nhỏ. Hãy có cách nào đó khuyến khích người đi học bằng xã hội hóa. Người học bỏ tiền ra học cũng tốt, vì họ có xót tiền của mình thì mới cố gắng. Giờ nhà nước cứ “bao” hết, người học xài tiền “chùa”, thì chất lượng đâu ra?”- ông Nhĩ thẳng thắn.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ đầu tư cho đầu vào TS, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần tập trung nguồn lực để đãi ngộ những TS có thực lực, giúp họ nâng cao chất lượng.

"Đừng để xã hội nghi ngờ rằng, có yếu tố lợi ích nhóm trong đề án này, khi công bố mà không đưa ra những cách làm khả thi, những nghiên cứu thận trọng, bởi tôi nhắc lại, 12.000 tỉ đồng là con số không hề nhỏ trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay" - ông nói.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, số lượng giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ mới chỉ đạt 22,7%, tỉ lệ này trong các trường CĐ sư phạm chỉ là 3,4%. Các số liệu này đều thấp hơn tỉ lệ chung của nhiều quốc gia tiên tiến khác trong khu vực và thế giới. Với con số 9.000 giảng viên có trình độ TS được bổ sung, kỳ vọng của Bộ GD&ĐT là nâng tỉ lệ lên 35%.

Theo kế hoạch, đề án sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài, 500 tiến sĩ theo hình thức liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài, thu hút 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài (hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH) đến làm việc tại các trường ĐH ở Việt Nam và đào tạo 2.000 tiến sĩ trong nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm