1. Nhà tôi không khá giả nhưng tôi ấn tượng mãi với cách… tiêu tiền của bố. Ở cái thời nhà nhà đun than tổ ong thì bố đã mua bếp gas để mẹ đun nấu cho tiện và để các thành viên trong gia đình không phải hít khí độc.
Khi các gia đình chủ yếu giặt quần áo bằng tay thì bố đã dồn toàn bộ số tiền trong nhà để mua máy giặt, rồi lần lượt là các đồ gia dụng khác như tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi sóng… Ai cũng ngạc nhiên khi vào nhà tôi, đồ đạc thì tuyềnh toàng nhưng trong bếp thì không thiếu những thiết bị hiện đại. Bố tôi thể hiện tình yêu với những người phụ nữ trong gia đình bằng cách rất thiết thực như thế.
Không chỉ là đồ gia dụng, ngay cả những món đồ khác, cách tặng đồ của bố cũng rất… lạ. Còn nhớ hồi học đại học, một chiều đi học về, bố đưa tặng tôi một gói quà vuông vắn, dễ thương. Tôi hồi hộp mở và ngỡ ngàng khi thấy đó là một bộ trang điểm khá xịn. Món quà được bố gửi đồng nghiệp cùng công ty mua hộ trong chuyến công tác nước ngoài. Đó cũng là những món đồ trang điểm đầu tiên tôi có trong đời.
Lúc đó, tôi cũng chỉ thấy áy náy vì chắc chắn món quà đã khiến bố phải tiêu một số tiền không nhỏ. Sau này, bố còn mua tặng mẹ con tôi chiếc gương treo tường to, choán gần hết bức tường nhà, chỉ để “mẹ và con gái có thể ngắm mình thật xinh đẹp trước khi đi làm”. Nói chung, dù đi công tác trong hay ngoài nước, kiểu gì bố cũng sẽ có quà cho mẹ và tôi; rồi quà cho cả các cô (em gái của bố), các cháu (con cô, chú tôi)…
Có một thời gian dài, mẹ tôi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Khi đó, bố cùng lúc đóng cả hai vai, vừa là bố, vừa là mẹ. Bố vào bếp mỗi ngày chuẩn bị đủ ba bữa chu đáo. Sáng các con được ăn đồ nóng hổi, trưa tan học về cũng đã có sẵn mâm cơm dẻo thơm.
Bố biết tôi không thích ăn thịt nên đã mày mò học hỏi để chế biến nhiều món ăn lạ. Khi thì thịt băm nhỏ với tôm, viên tròn rồi thả vào rán; lúc lại băm lẫn với mộc nhĩ; hay đúc thịt… Bố đổi món thường xuyên khi thấy các con hào hứng ngồi ăn. Đã có lúc tôi nghĩ, bố giống như một bà mẹ đảm đang…
2. Vài năm gần đây khi đời sống khấm khá hơn, hầu như năm nào đại gia đình tôi cũng tổ chức một chuyến đi chơi xa. Ngoài những bữa ăn đặt nhà hàng, em trai tôi lại là người rủ các chị em trong nhà đi chợ, chọn mua đồ hải sản tươi ngon về tự chế biến. Những lúc đó, em giống như “bếp trưởng”, tự tay rửa từng con hàu, hay rổ ốc hương, sau đó, chế biến các nguyên liệu đi kèm và nổi lửa chế biến. Món ăn nào cũng nóng hổi và vì cẩn thận chọn đồ ngay từ khâu đầu tiên nên ăn ngon vô cùng.
Thực ra, bữa ăn tự nấu không hề rẻ hơn so với đặt nhà hàng, nhưng cả nhà tôi đều rất hào hứng và hầu như lần đi chơi nào em cũng sẽ vào bếp. Bữa ăn khiến các thành viên gắn kết với nhau hơn, không khí vô cùng ấm áp.
Ngày thường, em cũng không ngại vào bếp, khi thì giúp mẹ, lúc giúp vợ nấu ăn, ăn xong sẵn sàng đứng rửa bát. Đặc biệt, hồi hai đứa cháu của tôi còn nhỏ, em “xí phần” tắm cho bọn trẻ, cho chúng ăn khéo léo vô cùng. Ngoài xã hội, em là giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn nhưng khi về đến nhà, em chỉ đơn giản là “thằng em đáng yêu” của tôi và sẵn sàng “lăn vào bếp” cùng mọi người.
3. Các cháu trai của tôi, lần lượt 11 tuổi và 9 tuổi. Từ khi mới vào tiểu học, hai đứa nhỏ đã biết nhặt rau, phụ mẹ cắm cơm, cuốn nem, rán nem, đậu, hay tự nấu những món đơn giản như trứng tráng, rau luộc, mì tôm… Trước khi ăn, bọn trẻ biết tự dọn bàn, ăn xong biết dọn mâm và phân công nhau rửa bát, mỗi đứa một ngày.
Dù nghịch ngợm, nhưng ai cũng phải công nhận hai đứa trẻ đáng yêu khi biết vào bếp từ sớm, biết thể hiện sự quan tâm với những phụ nữ quanh chúng như bà, bác, mẹ.
Trong khi ở nhiều gia đình, đàn ông có thể sẽ vào bếp vào những dịp lễ tết, hay ngày kỷ niệm nào đó thì ở gia đình tôi, như đã thành truyền thống, những người đàn ông từ già đến trẻ đều biết thể hiện sự quan tâm, yêu thương đến phụ nữ. Có lẽ cũng giống như tôi, mẹ tôi và em dâu có thể cảm nhận được dường như khi ở bên những người đàn ông như bố tôi, như em trai, cháu trai của tôi, quanh năm ngày nào ở nhà chúng tôi cũng giống như ngày 8/3.