Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các chương trình, đề án về đổi mới toàn diện giáo dục

D.H
24/03/2021 - 15:35
Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các chương trình, đề án về đổi mới toàn diện giáo dục

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, chiều 24/3. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 24/3, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - nêu các nội dung thẩm tra báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Báo cáo này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội sáng nay.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021

Theo báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức, song Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động.

"Báo cáo tổng kết được Chính phủ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều số liệu cụ thể, đánh giá cơ bản toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác trong cả nhiệm kỳ, nêu bật những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, đúc kết một số bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Liên quan đến các kết quả đạt được của Chính phủ,  Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 như được nêu trong Báo cáo.

Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh một số kết quả, như: Chính phủ tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá và đôn đốc việc thực hiện; thể hiện sự tích cực, chủ động, đồng thời nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh.

Xây dựng Chính phủ điện tử cũng là một trong những nội dung được Ủy ban Pháp luật đánh giá cao, trong đó với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. "Đây là những kết quả rất quan trọng, cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ tới", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Quốc hội đánh giá cao sự điều hành chủ động, linh hoạt về kinh tế, duy trì nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu gắn với phát triển vững chắc thị trường nội địa; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, tạo khí thế mạnh mẽ, niềm tin và quyết tâm lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, đề ra các biện pháp hết sức đúng đắn, chỉ đạo thực hiện sát sao, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các chương trình, đề án… về đổi mới toàn diện giáo dục - Ảnh 1.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ nỗ lực khắc phục khó khăn trong điều kiện Covid-19, theo đánh giá của Quốc hội

Tập trung đánh giá hiệu quả các chương trình đổi mới toàn diện giáo dục

Bên cạnh những kết quả Chính phủ đạt được, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung.

Trước hết, Chính phủ cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Cùng với đó, cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử; làm rõ  tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; bổ sung phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân…

Đặc biệt, liên quan đến giáo dục, Ủy ban Pháp luật Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo căn cứ vào các định hướng trong nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước. Đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân. 

Báo cáo cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đánh giá rõ thêm thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với Chính phủ các nước láng giềng; lợi ích, thách thức và biện pháp trong hợp tác với các nước lớn và khu vực; kết quả và phương hướng phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Chính phủ với cơ quan Đảng, Quốc hội và ngoại giao Nhân dân; đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…

Về phương hướng nhiệm vụ Chính phủ đề ra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành các nội dung về phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu của Chính phủ nhiệm kỳ tới đã được nêu khá toàn diện trong Báo cáo.

"Một số ý kiến đề nghị rà soát thêm các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ ra để đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục đầy đủ, đồng bộ, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026", ông Hoàng Thanh Tùng cho biết. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm