pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề tham khảo Ngữ văn THPT Quốc gia bám sát chương trình
Nhận xét đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay thuộc kỳ thi THPT Quốc gia, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết cho biết, nhìn chung đề không có thay đổi so với đề thi Quốc gia các năm trước. Các đơn vị kiến thức và kĩ năng được kiểm tra không vượt ra ngoài nội dung chương trình được điều chỉnh theo hướng tinh giản mà Bộ GD & ĐT mới công bố gần đây.
Theo cô Thu Tuyết, cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay.
Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu – đó cũng là kiểu dạng câu hỏi từ năm 2016.
Với câu nghị luận văn học, yêu cầu nêu "Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị tromg đêm mùa xuân ở Hồng Ngài ( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)", theo cô Tuyết, thứ nhất, đây là phần kiến thức trong chương trình Học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GD & ĐT.
Thứ hai, đây là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút - cũng là kiểu dạng bài nghị luận quen thuộc với học trò mấy năm gần đây.
"Nhìn chung, nếu đề thi Ngữ văn trong kì thi THPTQG năm 2020 bám sát mô hình đề minh họa, học trò sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kĩ năng đã được ôn luyện" – Cô Tuyết nhìn nhận.
Tuy nhiên, cô Trịnh Thu Tuyết có đề xuất đáng chú ý, đó là trong đề thi chính thức, đề nghị Ban ra đề lưu tâm việc diễn đạt chặt chẽ hơn các câu lệnh, tránh gây hoang mang cho học trò.
Ví dụ, câu Nghị luận xã hội trong đề thi minh họa, khi yêu cầu: "Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường", học sinh sẽ băn khoăn trong quá trình triển khai hệ thống ý nghị luận, vì đây thực chất là yêu cầu nghị luận cho một bài văn, không phải cho đoạn văn.
"Cô cũng nhắn các trò một câu: "minh hoạ" là để "minh hoạ", cần học và ôn luyện chủ động, tích cực để không mất bình tĩnh trước đôi chút xô lệch có thể có trong đề chính thức!" – cô Thu Tuyết chia sẻ.
Xem chi tiết đề tham khảo môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2020 tại đây.