Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT: Không khó, nhưng dài hơi

Nhật Lam
09/08/2020 - 11:41
Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT: Không khó, nhưng dài hơi
Đó là nhận định của một số giáo viên luyện thi Ngữ văn, liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn diễn ra sáng nay 9/8. Theo nhận định, đề bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thí sinh sẽ phải huy động tối đa thời gian mới có thể kịp làm bài do đề hơi dài.

TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học – câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi.

Cụ thể, ở phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ Nhận biết, cụ thể. Câu 1 yêu cầu nhận biêt về một đặc điểm hình thức của ngữ liệu đọc hiểu. Câu 2 và 3 yêu cầu nhận biết về các chi tiết nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.

Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Và như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh

Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT: Không khó, nhưng dài hơi - Ảnh 1.

Đề thi Ngữ văn tót nghiệp THPT năm 2020

Ở phần 2 – Làm văn (7,0 điểm),  đề giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). Theo đó, câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là "sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày" – "sự cần thiết" được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức "trân trọng cuộc sống mỗi ngày".

Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân.

"Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi – chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò" – TS Thu Tuyết nhận đinh.

Với bài nghị luận văn học, đề thi đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Và đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.

Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích "Đất nước", đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.

Còn theo nhận định của cô Phạm Thị Thu Phương – GV môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247, với đề thi này, học sinh trung bình  nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Phần nội dung nâng cao đã được lược bớt so với đề thi chính thức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (rõ nhất là câu nghị luận văn học - phần Làm văn). Phần nội dung kiến thức cũng đã được giảm tải theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 30/3/2020.

"Nhìn chung, đề thi khá hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi" – cô Hương nhận định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm