Để tuổi già không cô đơn

Gia Trung
01/09/2021 - 20:04
Để tuổi già không cô đơn

Khuyến khích người già tham gia sinh hoạt cộng đồng - Ảnh minh họa

Theo chị Nguyễn Anh Thu, con gái của bà Trần Thị Hường (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), để mẹ một mình ở quê, chị không yên tâm nhưng bà không muốn lên thành phố sống cùng các con. Vì vậy, chị rất mong nhà nước có những chính sách quan tâm hơn nữa tới người cao tuổi sống một mình.

Bài cuối: "Toa thuốc" chống cô đơn

Mong có mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi

"Ở nước ngoài, chính sách chăm sóc người già, người khuyết tật... rất tốt. Họ có mạng lưới hỗ trợ xã hội. Trong đó, nhân viên công tác xã hội tuần nào cũng đến thăm hỏi những người yếu thế xem họ cần gì, họ đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ. Ở Việt Nam, nếu nhà nước làm được điều này thì rất tốt cho các cụ. Như thế, những người con như chúng tôi đi làm ở xa cũng yên tâm hơn", chị Anh Thu chia sẻ.

Chị Phạm Thị Hoa, con gái bà Lê Thị Dậu (xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), cho biết, ở làng quê, còn nhiều người cao tuổi rất khó khăn. Họ không có lương hưu. "Hiện nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi nhưng còn thấp. Vì vậy tôi mong Chính phủ nghiên cứu để có mức hỗ trợ cao hơn. Ngoài ra, các tổ chức xã hội như Hội Người cao tuổi, Hội LHPN cần quan tâm hơn nữa đến các cụ bằng việc tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu để đời sống tinh thần của các cụ được tốt hơn", chị Hoa bày tỏ.

Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, một trong những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người cao tuổi được đánh giá cao là mô hình "Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau". Đây không chỉ là mô hình người cao tuổi giúp nhau trong phát triển kinh tế mà còn là một cách thức giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần, đoàn kết, sống vui, sống khỏe, trở thành tấm gương, động lực cho con cháu noi theo. Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức Hội rà soát các đối tượng người cao tuổi ở địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa để vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thường xuyên.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2045 - 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước dân số siêu già khi tỷ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm 30% dân số.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ kiến nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hạ độ tuổi hưởng trợ cấp của các đối tượng khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa. Hội cũng vận động các nguồn lực tài chính, sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức để đẩy mạnh các hoạt động thiết thực của Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam; động viên, khuyến khích người cao tuổi cống hiến sức mình một cách hiệu quả. Đồng thời, Hội cũng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động chăm sóc người cao tuổi theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm xây dựng các Trung tâm dưỡng lão trên địa bàn để người cao tuổi được an dưỡng, chăm sóc, sống vui, sống khoẻ.

Kinh nghiệm thế giới

Ở nhiều nước phát triển, các đường dây nóng mở ra chỉ để người già có nơi gọi điện tâm tình. Có những phong trào tình nguyện khuyến khích thanh niên tới thăm hỏi người già, trò chuyện và đọc sách, ăn với họ bữa cơm. Có những nơi, chính phủ khuyến khích con cái đón cha mẹ về sống chung. Bù lại, họ sẽ được giảm giờ làm, giảm thuế hoặc được hưởng thêm ưu đãi trong chăm sóc y tế, sức khỏe.

Tại Đan Mạch, có những tổ chức thực hiện việc thuyết phục người già rời khỏi nhà và "tái hòa nhập xã hội", tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng, chơi thể thao, đi dạo, đi du lịch hay tụ tập trò chuyện cùng bạn bè.

Ở độ tuổi ngoài 60-70, nhiều người đã mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với internet. Họ lên mạng xem phim, đọc báo, lướt Facebook, chia sẻ thông tin, bình luận và tán gẫu với bạn bè... Đó là một cách để người cao tuổi bắt nhịp cùng thời đại, tìm niềm vui để cảm thấy bớt lạc lõng, cô đơn. Nhiều người cao tuổi ở Mỹ tìm đến các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Pháp và Mỹ đang ứng dụng robot Cutii tích hợp các công nghệ cao, có thể giúp người cao tuổi kết nối với mạng xã hội, hỗ trợ các hoạt động thể dục, giải trí, nhận biết những trường hợp khẩn cấp và bầu bạn với những người già cô đơn.

Khi thực hiện chuyên đề này, nhóm phóng viên Báo PNVN đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh về "Cuộc sống của cha mẹ già trong xã hội hiện đại". Có 50 người trong độ tuổi từ 60 đến 91 tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy, 44% người được hỏi cho biết con cháu chăm sóc họ trực tiếp hàng ngày; 56% còn lại được chăm sóc gián tiếp với nhiều hình thức: gọi điện, thăm hỏi, về thăm, thuê người giúp việc chăm sóc bố mẹ...

Về mức độ nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cái: 74% người được hỏi cho biết họ nhận được nhiều, 4% nhận được ở mức bình thường, 12% nhận ở mức ít; 6% cho biết họ vẫn đang là người hỗ trợ các con chăm sóc, nuôi cháu và 4% tâm sự rằng họ cảm thấy cô đơn.

Đáng chú ý, khi trả lời câu hỏi "hiện tại bác mong đợi điều gì ở con/cháu trong gia đình?", bên cạnh mong muốn những điều tốt đẹp cho con cháu, 20% số người được hỏi cho biết, họ mong con cái nói chuyện, thăm hỏi thường xuyên hơn, quan tâm, hiếu thuận với bố mẹ hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm