Để vợ chồng son không "đứt gánh" trong giãn cách xã hội

Minh Ngọc
17/08/2021 - 17:16
Để vợ chồng son không "đứt gánh" trong giãn cách xã hội

Ảnh minh họa: ST

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình trẻ lao đao. Nhiều cặp đôi không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, chăm lo đời sống gia đình mà còn bất đồng quan điểm trong cuộc sống dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ như "con kiến" bỗng chốc bùng lên thành "con voi".

Khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân thì không ít trách nhiệm cũng như hàng loạt thói quen mà hai vợ chồng phải điều chỉnh không chỉ để phù hợp với người bạn đời mà còn với gia đình và người thân mới. Nếu không điều chỉnh, những cãi vã, mâu thuẫn... sẽ diễn ra ở giai đoạn "hậu trăng mật".

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều cặp vợ chồng gần như 24/7 ở nhà. Trong khi đó, thu nhập có thể giảm sút, gây nhiều áp lực, khiến mâu thuẫn lại càng nhiều hơn.

Chị Kiều Thúy Hằng, 26 tuổi, ở Hà Nội cho biết, chị bước vào hôn nhân đã được 5 tháng. Chị ít khi phàn nàn về cuộc sống hôn nhân cho đến ngày cả hai vợ chồng phải ở nhà do thực hiện giãn cách. "Nhà mình vừa bắt đầu chuẩn bị mở cửa hàng bán đồ gia dụng thì dịch Covid-19 ập tới, thực hiện giãn cách toàn thành phố khiến cả nhà lao đao", chị Hằng cho biết.

"Việc kinh doanh bị đình trệ, mất nguồn thu nhập mà các khoản chi vẫn rất nhiều, cộng thêm các khoản nợ chồng chất cũng khiến hai vợ chồng mình thường xuyên lời qua tiếng lại, mặt nặng mày nhẹ với nhau", chị Hằng chia sẻ.

Áp lực của vợ chồng son trong giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Sống chung sẽ xuất hiện những điều khác biệt mà trước đây giai đoạn yêu nhau, vợ chồng không nhìn thấy hoặc dễ cho qua

Mâu thuẫn sau khi bắt đầu chung sống là bình thường bởi vợ chồng đã không còn sống cuộc sống của riêng mình nữa mà là một gia đình nhỏ, với đủ lo toan về tiền bạc, công việc… Sống chung sẽ xuất hiện những điều khác biệt mà trước đây giai đoạn yêu nhau, vợ chồng không nhìn thấy hoặc dễ cho qua.

Bên cạnh áp lực điều chỉnh thói quen chi tiêu, việc chăm lo đời sống hàng ngày cũng là những thử thách với vợ chồng mới cưới trong thời điểm giãn cách xã hội. Tiền đã ít, mọi khó khăn gia tăng, vợ chồng ra vào đụng mặt trong bốn bức tường một thời gian dài, nên mâu thuẫn có thể phát sinh. 

Từ những chuyện vụn vặn như đi đổ rác, không gấp quần áo hay vắt quả cam uống xong không đổ vỏ cũng được phóng đại thành "vấn đề nghiêm trọng", trở thành ngòi nổ cho các cuộc cãi vã.

Vợ chồng chị Thái Quỳnh Hương, 23 tuổi, Hà Nội cũng trong hoàn cảnh tương tự. Để tăng thêm thu nhập, chị Hương bán hàng online, nhưng vì giãn cách, chị cũng tạm nghỉ, còn chồng chị làm ở cơ quan nhà nước với thu nhập ở mức trung bình. Cuộc sống vốn khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi mọi chi tiêu phải thắt chặt.

Áp lực của vợ chồng son trong giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Vợ chồng nên động viên, chia sẻ với nhau. Ảnh minh họa

"Khi phải đối diện với nhau trong nhà một thời gian dài, chúng mình bắt đầu nhận ra những điểm xấu của cả hai, cãi vã do không cùng quan điểm và mọi kỳ vọng về cuộc sống vợ chồng son từ đó cũng biến mất", chị Hương chia sẻ. Bản thân chị Hương đang trong thời gian mang bầu nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý.

Áp lực tài chính, phải phân chia việc nhà sao cho công bằng hay việc thiếu hụt không gian riêng tư đã trở thành giọt nước tràn ly khiến cho những bất đồng, mâu thuẫn leo thang nguy hiểm.

Nhiều người nghĩ rằng, giai đoạn mới cưới của vợ chồng son sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất nhưng trên thực tế, đây là giai đoạn được các chuyên gia tâm lý đánh giá là nguy hiểm nhất của các cặp đôi.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, tình trạng ly hôn ở giới trẻ ngày càng tăng cao, và đa số đều không vượt qua "mốc" từ 1 đến 5 năm đầu tiên. Một số nguyên nhân được đưa ra thường là do một trong hai có bất đồng quan điểm, phát hiện nhiều mặt trái của đối phương mà mình chưa hề biết trong thời gian hẹn hò, yếu tố bạo lực gia đình, hay ngoại tình…

Thực tế, dịch bệnh có thể còn kéo dài. Hơn nữa, nếu dịch được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường thì kinh tế vẫn có thể còn khó khăn, ảnh hưởng đến làm ăn và thu nhập của nhiều người. Trong khi đó, cuộc sống chung, nhất là vợ chồng mới cưới, khó tránh khỏi những mâu thuẫn. Do đó, mọi người cần có biện pháp để thích nghi với cuộc sống khi có những thay đổi ngoài dự kiến. Bên cạnh đó, cần thay đổi những thói quen xấu, thông cảm với nhau trong cuộc sống. 

Đồng thời, những người người thân trong gia đình cũng nên để ý, tạo điều kiện, động viên, chia sẻ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những cặp vợ chồng mới về chung nhà vượt qua cuộc "khủng hoảng kép" nhằm giữ gìn hạnh phúc lứa đôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm