Đề xuất bổ sung "trợ cấp gia đình" trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

PV
04/04/2024 - 11:39
Đề xuất bổ sung "trợ cấp gia đình" trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Người hưởng BHXH một lần phần lớn là người lao động trẻ. Ảnh minh họa

Góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số chuyên gia đề xuất bổ sung chính sách "trợ cấp gia đình" dành cho người lao động tham gia BHXH có con cái dưới 16 tuổi, nhằm giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, giúp người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và vừa được trình lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 27/3/2024). Lần sửa đổi này cũng nhằm tập trung giải pháp giảm thiểu làn sóng rút BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng thời gian qua.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) đề nghị hai phương án về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (tháng 3/2024), dự thảo Luật vẫn được trình hai phương án và đề nghị cho phép lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu về quy định này nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Góp ý vào dự thảo Luật, ThS. Đặng Thị Thu Hiền, Vụ Pháp luật - Văn Phòng Quốc hội, cho biết: Từ thực tế cho thấy, người hưởng BHXH một lần là người lao động trẻ - đây là người đang trong giai đoạn có trách nhiệm tài chính đối với gia đình rất lớn nhưng cũng là đối tượng mong muốn được tham gia BHXH lâu dài để hưởng chế độ hưu trí và cũng là đối tượng có cơ hội quay lại tham gia BHXH vì thời gian lao động còn dài.

Báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHXH cũng chỉ ra nguyên nhân người nhận BHXH tăng cao trong thời gian qua, như: không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh COVID-19; thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp; lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Đề xuất bổ sung "trợ cấp gia đình" trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)- Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Minh họa: VPQH

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động đã chỉ ra đặc điểm của những người hưởng BHXH một lần là:

(1) Người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần);

(2) Số người hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016-2022 hầu hết là những lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn; hầu hết là dưới 10 năm; cụ thể dưới 5 năm chiếm đến 66,6% số lượt người đề nghị hưởng, từ 5 năm đến dưới 10 năm chiếm 23,8%, trên 10 năm chỉ chiếm 9,6%;

(3) Xét theo khía cạnh giới, số lượng lao động nữ hưởng BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam;

(4) 26% người nhận BHXH một lần quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH.

Bên cạnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật cũng quy định nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, thu hút người đã tham gia BHXH ở lại hệ thống BHXH dài hơn như: sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng BHXH và đặc biệt là quy định về trợ cấp hằng tháng với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian tham gia BHXH.

Qua nghiên cứu Sắc lệnh số 29 của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành từ ngày 12/3/1947 đã quy định về phụ cấp gia đình; Công ước số 102 được Tổ chức lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1952 về an toàn xã hội. Công ước này quy định 08 loại trợ cấp, trong đó có trợ cấp gia đình, ThS. Đặng Thị Thu Hiền cho biết: Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đã quy định đầy đủ quy phạm về chăm sóc sức khỏe (bảo hiểm y tế) và 7/8 loại trợ cấp được quy định trong Công ước số 102. Chỉ còn mỗi trợ cấp gia đình chưa được đưa vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.

Nếu với Sắc lệnh số 29 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định, trợ cấp gia đình dành cho trẻ em dưới 16 tuổi hay Công ước số 102 quy định về đối tượng bảo vệ là con cái nhưng không quy định độ tuổi cụ thể, thì "chính sách trợ cấp gia đình trong Luật BHXH nên dành cho người lao động tham gia BHXH có con cái dưới 16 tuổi" (là độ tuổi quy định trong Luật Trẻ em).

Về mức trợ cấp, Công ước số 102 quy định mức trợ cấp là 3% mức tiền lương của nam giới thành niên thông thường. Chiếu theo các quy định của Công ước 102 thì có thể áp với Việt Nam chính là mức lương tối thiểu vùng theo tháng do Chính phủ quy định. Tùy vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam có thể quy định mức trợ cấp cụ thể, nhưng không thấp hơn 3% theo khuyến nghị của ILO, mức trợ cấp này sẽ được nhân với số lượng con cái của người lao động.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Sắc lệnh số 29 quy định người chủ sẽ đóng góp vào một quỹ. Công ước số 102 quy định việc người sử dụng lao động và người lao đồng cùng đóng góp kinh phí để thực hiện trợ cấp và người lao động đóng không quá 50%.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, theo ThS. Đặng Thị Thu Hiền, việc thực hiện chính sách này có mục tiêu là giúp người lao động tiếp tục ở lại hệ thống BHXH, do đó, không nên quy định về trách nhiệm đóng loại trợ cấp này mà cân nhắc lấy nguồn kinh phí thực hiện chính sách này từ Quỹ hưu trí, tử tuất. Lý do của đề xuất này là đặt mục tiêu giúp người lao động ở lại hệ thống; chính sách này góp phần thay thế cho BHXH một lần mà BHXH một lần có nguồn chi từ Quỹ hưu trí, tử tuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm