Đề xuất đưa nội dung bảo vệ trẻ em vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

25/06/2019 - 22:53
“Thời gian tới, Mặt trận sẽ phát huy trách nhiệm của mình trong công tác giám sát, cụ thể là phối hợp với các tổ chức chính trị, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động giám sát với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em - thực trạng và giải pháp”. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt những bức xúc trong xã hội về tình trạng bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em trong thời gian qua là hồi chuông báo động, kêu gọi sự đặc biệt quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ của toàn xã hội.

 

Phó chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo

 

Nêu thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam thông tin: Theo nguồn Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trong 2 năm 2017-2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực, trong số 75 quốc gia được thống kê. Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54).

Ông Đặng Hoa Nam cảnh báo: tại Việt Nam, số lượng vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

 

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam phát biểu

 

Đề xuất giải pháp tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ông Đặng Hoa Nam cho rằng: Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

“Đặc biệt, Mặt trận phải đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương”, ông Đặng Hoa Nam lưu ý.

Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiệu quả hơn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị: UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTQT các cấp nghiên cứu để có các hình thức lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.

 

Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa tham luận tại Hội thảo

 

Ghi nhận đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: “Thời gian tới, Mặt trận sẽ phát huy trách nhiệm của mình trong công tác giám sát, cụ thể là phối hợp với các tổ chức chính trị, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động giám sát với công tác chăm sóc, bảo vệ  trẻ em. Đồng thời phát huy trách nhiệm, vai trò của Hội đồng tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tham gia góp ý và thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối với Dự thảo, chính sách và việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm