pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất Hà Nội chi 2.100 tỷ đồng cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội , trên cơ sở đề xuất của UBND TP. Hà Nội, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thí điểm, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.
"Yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội" – Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Liên quan đến chi ngân sách Nhà nước đối với thành phố Hà Nội, tờ trình đề nghị một số nội dung cụ thể trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, đồng thời đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu:
Theo báo cáo của Hà Nội, hiện nay một số trụ sở của các cơ quan, đơn vị của Thành phố đang thiếu một số hạng mục công trình thiết yếu hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư mới như: Hạng mục phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh, khu xử lý rác thải, tường rào. Các hạng mục này đều có quy mô không lớn, tính chất đơn giản, thực hiện trong thời gian ngắn. Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo các quy định, thủ tục của Luật Đầu tư công hiện nay sẽ không đảm bảo tính kịp thời.
Thành phố dự kiến nhu cầu kinh phí để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường,... giai đoạn 2020 - 2022 dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, khả năng của Hà Nội, Chính phủ trình Quốc hội quy định Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, các phương tiện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do Thành phố quản lý.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, trong đó có nội dung trên, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũ, như: hàng rào, phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh… là cần thiết.
Nếu bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện sửa chữa với mức đầu tư nhỏ nhưng phải tiến hành đúng quy trình, thủ tục của một dự án đầu tư công thì sẽ khó khăn và không kịp thời trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, đa số ý kiến tán thành với nội dung Chính phủ trình nhưng đề nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, quy định rõ hơn đối tượng và quy trình quản lý nguồn kinh phí này phù hợp với bản chất của nguồn vốn đầu tư được cơ cấu trong chi thường xuyên, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công; đồng thời, khuyến khích Thành phố tiết kiệm chi thường xuyên để dành tỷ lệ cao hơn đầu tư cho các dự án công trình này.