Đề xuất không áp dụng biện pháp hòa giải với hành vi bạo lực trẻ em

PV
14/06/2022 - 16:52
Đề xuất không áp dụng biện pháp hòa giải với hành vi bạo lực trẻ em

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận tại hội trường.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đặc biệt quan tâm tới tình trạng bạo lực với trẻ em; qua đó đề nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Thảo luận chiều 14/6 về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho biết: tình trạng bạo lực trẻ em thời gian qua gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nhiều vụ xảy ra trong các gia đình thiếu hoàn thiện, gia đình ly hôn, ly thân. Người có hành vi bạo lực với các em là cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, mẹ hờ của các em. Đau lòng hơn là không ít em đã mất đi mạng sống…

Đặc điểm của bạo lực với trẻ em thường diễn ra phía sau cánh cửa mỗi gia đình nên khó phát hiện; nạn nhân trẻ em khó phản ánh, tố cáo, khiến hành vi bạo lực diễn ra thường xuyên, kéo dài hơn và chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đi viện hoặc bị tử vong. Theo đại biểu, tồn tại tình trạng này do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra.Thậm chí, người gây bạo lực với các em lại chính là người thân, người gần gũi trong gia đình.

Thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%.

Bên cạnh đó, phòng chống bạo lực với trẻ em vừa thuộc đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này và Luật Trẻ em, vì vậy, theo đại biểu cần nghiên cứu tính toán để có điều chỉnh phù hợp nhiệm vụ từng luật và có thêm công cụ để bảo vệ trẻ em, nhưng cũng cần tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa 2 luật.

Về biện pháp hòa giải vụ việc bạo lực gia đình, tại Điều 21 dự thảo luật quy định biện pháp hòa giải không chỉ được áp dụng đối với các tranh chấp, các mâu thuẫn trong gia đình như luật hiện hành, mà còn được áp dụng cả đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, "đối với trường hợp bạo hành trẻ em cũng tiến hành hòa giải là chưa phù hợp, vì đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có sự bảo vệ đặc biệt".

Đại biểu đề nghị sửa lại quy định này theo hướng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần áp dụng biện pháp tương xứng. Trường hợp chưa đến mức hình sự hoặc chưa đến mức hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại Điều 23 của dự thảo luật để kịp thời cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn chủ trì kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn, không nên cho hòa giải đối với trường hợp này…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta. Để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị: Rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật Trẻ em. Đồng thời bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đại biểu đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Đề xuất không áp dụng biện pháp hòa giải với hành vi bạo lực trẻ em - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, phát biểu

Cũng quan tâm tới đối tượng trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm