ĐỊA CHỈ HỖ TRỢ PHỤ NỮ, TRẺ EM BỊ BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀ MUA BÁN TRỞ VỀ
Ngôi nhà Bình yên trực thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam) là địa chỉ hỗ trợ về pháp lý, tinh thần… tin cậy nhóm phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình và mua bán trở về.
1. "Tháng 12 gõ cửa và những cơn gió heo may cũng đã ùa về, cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông miền Bắc lại ghé thăm Hà Nội vào dịp cuối năm như thường lệ. Một bữa cơm ấm nóng bên gia đình trong những ngày này có lẽ cũng đủ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
Điều tưởng chừng như đơn giản nhưng với một số người tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên thì phải mất hàng chục năm mới có thể thực hiện được.
Ngày 25/11/2022, sau khi nhận được thông tin từ Cục phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ tư lệnh, Bộ đội biên phòng, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận 4 trường hợp có dấu hiệu là nạn nhân bị mua bán từ Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, tỉnh Cao Bằng, đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên.
Bằng những nỗ lực của các nhân viên Ngôi nhà Bình yên trong suốt quá hình thu thập thông tin, kết nối nguồn lực, tìm kiếm gia đình cho người tạm trú, ngày hôm nay - 2/12/2022, 2 trong số 4 người đã được đoàn tụ cùng gia đình. Những giọt nước mắt đã rơi, những nụ cười rạng rỡ, cái ôm ấm áp cùng đôi bàn tay nắm thật chặt vì không thể nói thành lời...
Sau nhiều năm xa cách nơi xứ người, có lẽ mùa đông năm nay của 2 cô sẽ rất khác - một mùa đông ấm áp và hạnh phúc hơn bên những người thân ruột thịt của mình".
2. "34 tuổi, 2 lần được đi máy bay. Lần đầu tiên là cách đây 4 năm, L. sang Trung Quốc, bản thân L. khi ấy không nghĩ rằng chuyến đi đó đã cắt đứt mọi cơ hội liên lạc với gia đình. Bị bán làm vợ, mỗi ngày chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, sống trong cảnh đòn roi và những lời mắng nhiếc, cuộc sống rơi vào bế tắc, việc nghĩ tới một ngày được gặp mẹ chính là niềm hy vọng duy nhất níu chân L. ở lại với cuộc sống này.
May mắn một lần được công an nước bạn và bộ đội biên phòng Việt Nam giải cứu, sau đó L. được hỗ trợ đưa trở về Việt Nam. Lần đầu gặp mặt, L. đem lại cho người đối diện cảm giác thân thiện, dễ gần, nhưng trải qua biết bao biến cố, L. không còn nhớ bất kỳ thông tin gì về gia đình, sức khỏe của L. cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khoảng thời gian bị bóc lột.
Cùng với sự kiên trì, nỗ lực, thu thập từng mảnh kí ức còn sót lại, Ngôi nhà Bình yên đã kết nối thành công với chính quyền địa phương và tìm thấy gia đình của L. Sức khỏe của L. được cải thiện rõ rệt về mọi mặt sau khoảng thời gian được các nhân viên tại Ngôi nhà Bình yên đồng hành, chăm sóc.
Chia tay các thành viên trong Ngôi nhà Bình yên để trở về với gia đình, lần đi máy bay thứ 2 này của L. thật đặc biệt, không còn tâm trạng hoang mang lo lắng mà là sự háo hức, vui vẻ vì được trở về nhà cùng mẹ, có các nhân viên Ngôi nhà Bình yên đồng hành.
Chúc cho L. và gia đình sẽ có một cuộc sống tươi đẹp. Mong rằng với sự đồng hành của Ngôi nhà Bình yên sau khi trở về địa phương, L. và gia đình sẽ có cuộc sống kinh tế ổn định hơn, vững bước trên con đường tái hòa nhập cộng đồng sắp tới".
Những câu chuyện, những dòng nhật ký đầy cảm xúc của các cán bộ làm việc tại Ngôi nhà Bình yên giúp người đọc cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc đang lan tỏa, và thêm tin tưởng, vì luôn có những địa chỉ tin cậy chào đón và trở thành chỗ dựa cho những người phụ nữ kém may mắn. Đó là Ngôi nhà Bình yên trực thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam).
Ngôi nhà Bình yên hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ nhóm phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình và mua bán trở về.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, cho biết: "Từ thực tế 15 năm hoạt động của Ngôi nhà Bình yên, chúng tôi đã tham vấn cho 26.005 lượt tham vấn, 19.869 người, 16.420 ca, sàng lọc vào Ngôi Nhà Bình yên 1.604 trường hợp, trong đó có 1.173 nạn nhân bạo lực gia đình và xâm hại tình dục đến từ 56/63 tỉnh.
71% người tạm trú (NTT) đều bị ít nhất 3 hình thức bạo lực trở lên, rất nhiều chị gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng, một số đã tự tử vài lần nhưng cứu được; nhiều chị bị thương tổn di chứng đến hết đời như bị cụt tay, chân; tổn thương đầu, cột sống. Bạo lực xảy ra ở mọi lứa tuổi từ 0 (khi mẹ mang thai) đến trên 70 tuổi, ở các trình độ học vấn khác nhau (nhiều trường hợp bị bạo lực cả cuộc đời từ khi lấy chồng).
Bạo lực gia đình, xâm hại hay nói cách khác là bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn đề của tất cả mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo điều tra quốc gia tình hình bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam lần 2 năm 2019, tại Việt Nam, có tới 62,9% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người".
Với vai trò là đơn vị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, với mong muốn tiếp cận được nhiều hơn những trường hợp phụ nữ và trẻ em đang có nhu cầu được hỗ trợ liên quan đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán trở về), Ngôi nhà Bình yên đã xây dựng tổng đài 1900 96 96 80 cung cấp dịch vụ tham vấn chuyên nghiệp có thể tiếp nhận gần 200 cuộc gọi cùng một lúc cả trong và ngoài nước.
Tổng đài tiếp các cuộc gọi 24/7 cung cấp thông tin, tham vấn miễn phí về: Can thiệp khủng hoảng và hỗ trợ giải cứu phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới; Cung cấp thông tin về quyền phụ nữ, trẻ em; Các vấn đề liên quan đến hôn nhân - gia đình, giới, sức khỏe sinh sản; Cung cấp các kỹ năng sống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…;
Hướng dẫn khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn hoặc tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên; Hỗ trợ kết nối chuyển tuyến. Đây là tổng đài hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, dành cho những người muốn được chia sẻ hay cần hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bạo lực, giúp phụ nữ và trẻ em không cảm thấy cô đơn trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc đời mình.
Lê Anh (thực hiện)
Xuất bản: 20/09/2022