Điểm danh những loại hoa đẹp nhưng cực độc

01/06/2018 - 17:18
Nhiều hoa rất đẹp, màu sắc sặc sỡ nhưng những loại cây này lại có độc tính rất mạnh. Thế nhưng, trẻ nhỏ hiếu động, lại ưa khám phá. Do đó, phụ huynh nên cho bé tránh xa những loại cây này để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
 Mới đây, một bệnh nhi ở Phú Thọ bị táo bón và được gia đình điều trị bằng men tiêu hóa không đỡ. Nghe theo người quen, gia đình bé đã hái lá lộc mại về nấu cháo cho con ăn. Sau hai lần ăn cháo, bệnh nhi xuất hiện đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ. Tại BV Nhi TƯ, các bác sĩ xác định bé bị tan máu cấp.
Những trường hợp như trên không phải là hiếm. Thực tế, tại các BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do ăn phải những hoa, quả lạ hoặc những cây trồng quanh nhà mà không biết đó là cây có độc. Dưới đây là một số cây rất độc mà Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình không nên trồng quanh nhà để phòng tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Hoa bông tai
Hoa bông tai được trồng nhiều ở các sân vườn và có hơn 140 loài. Tại Việt Nam, hoa bông tai phổ biến nhất có màu đỏ cam rất đẹp mắt. Nhựa của hoa bông tai có màu giống như sữa, chứa các ancaloit và một vài hợp chất phức tạp khác. Một vài loài có khả năng gây ngộ độc. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ em hái hoa bị dính nhựa vào tay sau đó cho tay vào miệng có thể gây ngộ độc cấp. Trường hợp cơ địa yếu, việc ngộ độc có thể gây hôn mê.
bong-tai.jpg
Hoa bông tai

Hoa huỳnh anh

Cây huỳnh anh có tên khoa học là Allamanda cathartica, thuộc họ trúc đào. Cây dạng bụi leo, có lá mọc vòng với phiến lá dài, láng. Toàn cây gồm vỏ cây, hoa, lá, hạt và nhựa mủ là những bộ phận của cây có chứa chất độc. Nếu trẻ ngậm nhai cây, hoa, hoặc nuốt phải nhựa mủ thì sẽ bị ngộ độc. Khi bị ngộ độc, trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Thậm chí, với những trẻ có cơ địa mẫn cảm, khi trẻ sờ phải nhựa mủ trắng của cây gây viêm da làm nổi hồng ban, mề đay trên da.
hoa-huynh-anh.jpg
Hoa huỳnh anh

 Cây trúc đào

Trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc. Người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).
Các chuyên gia khuyến cáo, các gia đình không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.
cay-truc-dao.jpg
Hoa trúc đào

 Cây xoan

Lá xoan được sử dụng như là một loại thuốc trừ sâu tự nhiên để bảo quản một số loại lương thực. Vì có độc tính, lá xoan, trái xoan đều không thể ăn được. Yếu tố gây độc là các chất gây ngộ độc thần kinh chứa tetranortriterpen. Trong đó, hàm lượng độc cao nhất chứa trong quả. Theo tính toán, chỉ cần 15 gam hạt đã là liều gây chết cho một con lợn nặng 22 kg. Các triệu chứng ngộ độc đầu tiên xuất hiện chỉ vài giờ sau khi ăn phải. Các triệu chứng này bao gồm mất vị giác, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có máu, tổn thương dạ dày, sung huyết phổi, trụy tim, thậm chí tử vong. 
 Cây ngô đồng
Cây ngô đồng cảnh có củ, có tên khoa học là Jatropha podagrica Hook.f, thuộc họ cây thầu dầu Euphorbiaceae. Tại Việt Nam, loài cây này được trông phổ biến từ đồng bằng cho đến miền núi.
Ngô đồng thân gỗ còn gọi là ba đậu tây to hoặc vông đồng, thân có gai, lá hình tim hơi ba cạnh, mép có răng cưa. Nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, có độc, có thể gây chết người. Ngoài hạt có chứa độc, nhựa cây ba đậu tây cũng có thể làm sưng đỏ mắt nếu vô ý để nhựa bắn vào mắt.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm