Ông Tùng cho biết, với giả thiết là gian lận nhằm mục tiêu nâng điểm để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, và nâng cho khá nhiều thí sinh, việc gian lận thi cử với số lượng đủ lớn sẽ làm giảm số bài thi điểm thấp và tăng số bài thi điểm cao, dẫn đến tỷ lệ bài thi điểm cao tăng lên đáng kể.
Các dữ liệu phân tích được tính theo ba khối thi truyền thống gồm khối A, A1 và khối B. Mức điểm phân tích chia thành 3 mức điểm cao là 24; 25,5 và 27 điểm, ứng với điểm trung bình mỗi môn là 8; 8,5 và 9 điểm.
Mỗi biểu đồ biểu diễn tỷ lệ thí sinh đạt 24; 25,5 và 27 điểm trở lên của toàn quốc và 63 tỉnh thành, trong đó, đường đỏ nằm ngang là mức của toàn quốc.
Kết quả phân tích cho thấy, ở khối A, Hà Giang có tỷ lệ cao vọt trong cả 3 ngưỡng điểm.
Ở ngưỡng điểm 24 và 25,5 điểm, Kon Tum, Điện Biên cũng có tỷ lệ cao hơn mức trung bình của cả nước.
Ở 2 ngưỡng điểm này, một số địa phương cũng có tỷ lệ khá cao như Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh… Đây cũng là những địa phương được mệnh danh là quê hương đất học.
Tuy nhiên, ở ngưỡng điểm 27 điểm, các quê hương đất học đều phải nhường chỗ cho các tỉnh miền núi. Cả nước có 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh cao nhất đạt được mức điểm này là Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình. Trong đó, Lai Châu tuy có tỷ lệ thí sinh đạt 25,5 điểm ở dưới mức trung bình cả nước nhưng lại đạt cao hơn trung bình cả nước ở ngưỡng 27 điểm.
Ở khối A1, Hà Giang vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh có điểm thi cao.
Nhóm 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh khối A1 từ 25,5 điểm trở lên cao nhất toàn quốc theo thứ tự là Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La.
Ở ngưỡng điểm 27 điểm, các địa phương có tỷ lệ thí sinh đạt điểm này cao nhất là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Với khối B, các địa phương Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu vẫn tiếp tục là những tỉnh dẫn đầu.
Ở ngưỡng 24 điểm, Kon Tum chiếm ngôi đầu bảng, tiếp đó là Điện Biên. Ở ngưỡng điểm này, các địa phương đất học như Hà Tĩnh, Thái Bình cũng có tỷ lệ khá cao.
Ở ngưỡng 25,5 điểm, Hà Giang soán ngôi Điện Biên, thành tỉnh có tỷ lệ cao nhất nước. Xếp vị trí thứ hai là Điện Biên, tiếp đó là Lai Châu, Kon Tum. Tất cả các tỉnh thành khác đều dưới mức trung bình cả nước hoặc chênh lên trên trung bình không nhiều.
Ở ngưỡng 27 điểm, Điện Biên vươn lên thành địa phương có tỷ lệ thí sinh đạt điểm này cao nhất cả nước, tiếp đó là Hà Giang, Sơn La, Kon Tum. Một số địa phương khác cũng có tỷ lệ cao hơn mức chung của cả nước là Bình Thuận, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Theo ông Tùng, phân tích sâu hơn, phân tích điểm thi cho từng môn, phân tích các khối thi khác theo cách trên sẽ có thể rút ra thêm các minh chứng thống kê khẳng định các nghi vấn.
“Nhưng chỉ phân tích một cách giản đơn như trên đã có thể thấy Hà Giang là nghi can số một, nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B, và sự thật là đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, kết luận đúng là có sai phạm. Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1, và đang được Bộ kiểm tra. Tỉnh Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1. Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B. Kon Tum, Điện Biên thấp thoáng trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B. Các trường hợp này cần phải được xem xét,” ông Tùng nhận định.
Cũng theo ông Tùng, nếu những sai phạm là trong diện hẹp thì việc phân tích dữ liệu này khó phát hiện điều bất thường.
Ngành giáo dục đang đứng trước tiêu cực thi cử chưa từng có trong lịch sử, khi tỉnh Hà Giang đã có kết luận chính thức về việc một cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh này đã sửa 330 bài thi cho 114 thí sinh để gian lận điểm, trong đó có những bài thi được nâng khống từ 1 thành 9 điểm, có thí sinh được tăng 29,95 điểm so với bài thi thật.
Hiện Bộ GD&ĐT đang tiếp tục điều tra nghi vấn gian lận tại 2 tỉnh là Sơn La và Lạng Sơn.