Điểm tựa cho phụ nữ dân tộc thiểu số xa quê

Phạm Hoài- CTV
20/08/2024 - 17:22
Điểm tựa cho phụ nữ dân tộc thiểu số xa quê

Một gia đình phụ nữ DTTS trên địa bàn xã Phước Lộc được nhận quà hỗ trợ.

Mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” của Hội LHPN xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã giúp nhiều chị em cảm thấy được gắn kết, an tâm sinh sống và được tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Điểm tựa cho phụ nữ DTTS xa quê

Xã Phước Lộc (Nhà Bè, TPHCM) có hơn 300 hộ dân là người dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người dân tộc Tày, Kh'Mer, Ê Đê, Hoa, Gia Rai, Chăm... Trong đó gần 600 người là phụ nữ, số hộ dân DTTS sinh sống ở ấp 1 và ấp 4 chiếm hơn 80%.

Đa số các chị em DTTS là dân nhập cư về TPHCM sinh sống, học tập và làm việc. Các chị em thường gặp nhiều khó khăn về sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán... Một số chị em có hoàn cảnh khó khăn, công việc còn bấp bênh.

Chị Trần Thị Lê Na (dân tộc Tày, quê ở Yên Bái) đã về sinh sống tại xã Phước Lộc được hơn 10 năm nay. Chị Na chia sẻ: "Tôi về làm dâu xã Phước Lộc. Sau khi chia tay chồng, một mình tôi nuôi 2 con nhỏ. Mấy mẹ con phải ở nhà trọ, có rất nhiều gánh nặng về các khoản chi phí để trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Tôi lại không có người thân, họ hàng bên cạnh. Nhưng rất may mắn tôi được sự quan tâm từ Hội LHPN xã. Các chị hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, giúp tôi vượt qua khó khăn. Trong lòng tôi giờ đây, xã Phước Lộc đã trở thành quê hương thứ hai và Hội là "Gia đình lớn" đã giúp tôi tự tin, vững vàng vượt qua các khó khăn, thử thách của cuộc sống".

Điểm cho cho phụ nữ DTTS xa quê- Ảnh 1.

Trao quà cho các chị em là người DTTS trên địa bàn xã Phước Lộc,

Cách đó không xa, chị Mary (dân tộc Chăm) cũng là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng chị làm rất nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, cùng 1 mẹ già. Chị cũng là dân nhập cư về xã Phước Lộc nhiều năm nay.

"Năm 2012, tôi đến làm việc ở xã Phước Lộc, tôi có ba đứa con nhỏ. Lúc đó tôi làm phụ bếp cho một nhà hàng Ấn độ. Sau mùa dịch, tôi bị mất việc và cuộc sống bắt đầu khó khăn, khi mọi chi phí càng ngày càng tăng. Nhiều lúc, tôi không biết xoay sở bằng cách nào. Cũng may, tôi nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ Hội LHPN xã. Các chị hỗ trợ các phần quà, nhu yếu phẩm, vận động chủ nhà hỗ trợ giảm tiền thuê nhà, không tăng giá điện nước sinh hoạt, để tôi yên tâm hơn trong cuộc sống. Con tôi cũng được hỗ trợ học bổng để đến trường, được học cái chữ".

Hơn cả một mô hình

Để hỗ trợ chị em phụ nữ DTTS yên tâm sinh sống và làm ăn trên địa bàn, tạo điều kiện cho các chị góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương, bình đẳng trong cuộc sống, cuối năm 2021 Hội LHPN xã Phước Lộc triển khai Mô hình "Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ DTTS".

Theo đó, Hội đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp chị em DTTS được phát triển bền vững ở quê hương thứ 2, như chính tên gọi của mảnh đất này- Phước Lộc.

Hội đã giới thiệu việc làm cho 63 phụ nữ DTTS; phát động hội viên xây dựng "Khu trọ xanh" tại 100% khu trọ; phối hợp tổ chức tuyên truyền các chính sách, hỗ trợ pháp lý và hướng dẫn các thủ tục hành chính đăng ký tạm trú, hướng dẫn chị em DTTS đăng ký mã định danh điện tử mức độ 2; hướng dẫn đăng ký khai sinh, nhập khẩu, đăng ký tạm trú cho các con em DTTS đủ điều kiện đến trường... Vận động chị em tham gia các hoạt động do địa phương phát động, để xây dựng các mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, xây dựng môi trường sống an lành, thân thiện.

Mô hình còn tạo điều kiện cho chị em tham gia Hội thi "Ảnh đẹp nơi xóm trọ" nhằm ghi lại những khoảnh khắc đời thường, những ước mơ giản dị của các gia đình nhỏ là có được tấm ảnh chung. Với các gia đình xa hương lập nghiệp là đồng bào DTTS (Hoa, Kh'mer, Chăm) có 20 gia đình tham gia.

Điểm cho cho phụ nữ DTTS xa quê- Ảnh 2.

Lớp học tình thương dành cho con em người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Phước Lộc.

Hội LHPN xã còn mở "Lớp học tình thương" (tháng 6 năm 2023) dành cho học sinh 6 tuổi đến 14 tuổi thuộc nhóm trẻ em người DTTS. Lớp học giúp trẻ em chưa được đến trường, chưa biết chữ phải theo cha mẹ, người thân sống nhiều nơi được tiếp cận với kiến thức. Hội LHPN xã đã vận động đội ngũ giáo viên là người địa phương tự nguyện trực tiếp tham gia giảng dạy, đã xóa mù chữ cho 36 em học sinh DTTS. 

Chị Lê Thị Hồng Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) - cho biết thêm: Bên cạnh mô hình "Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số", vào các dịp lễ tết chung, tết cổ truyền của dân tộc Kh'mer, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam…, không  Hội LHPN xã còn vận động trao tặng quà, bao lì xì cho các phụ nữ DTTS trên địa bàn. Tổ chức các chương trình "Đón xuân ấm áp", "Tết trọn yêu thương", "Đêm giao thừa ấm áp", "Tủ đồ thân thương"... nhằm chăm lo cho các chị nữ công nhân nhà trọ người DTTS.

Điểm cho cho phụ nữ DTTS xa quê- Ảnh 3.

Mang Tết đến với trẻ em DTTS ở Phước Lộc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm