Mới đây, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2018 về điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế. Những lần điều chỉnh giá trước kia, thông thường là theo hướng tăng. Dư luận đặt câu hỏi, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này có tác động như thế nào đến người bệnh và các cơ sở y tế?
Về vấn đề này, bà Phạm Minh Nga - Phó trưởng Phòng Tài chính sự nghiệp (Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) - cho biết, Thông tư 15 điều chỉnh 88 dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, điều chỉnh giảm 70 dịch vụ; điều chỉnh tăng 9 dịch vụ; bổ sung giá của 9 dịch vụ, kỹ thuật.
Ngoài ra, Thông tư 15 cũng điều chỉnh 12 dịch vụ theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá. Bởi thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau, BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng.
Theo bà Nga, việc điều chỉnh lần này có nhiều hạn chế. Theo đó, mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công. Hơn nữa, tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng.
“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính căn cứ vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng cân đối quỹ BHYT để tính toán lộ trình và thời điểm điều chỉnh cho phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, tác động của việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm nên sẽ giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.
Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm. Hơn nữa, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT”, bà Nga khẳng định.