pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều kỳ diệu mang tên "cái ôm đầu tiên"
Với những lợi ích to lớn, da kề da sau sinh là phương pháp được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện hiện nay. Ảnh: BVCC
Nhìn đứa con trai đang nằm lim dim trên ngực mình, chị Nguyễn Thị Sang, 26 tuổi, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi, mệt phờ vì vừa phải dồn hết sức lực để sinh con, vẫn hiện diện một nụ cười hạnh phúc. Sau khi cất tiếng khóc vang, cậu bé đã nhận được những giọt sữa non đầu tiên từ mẹ. Chị Sang cảm nhận rõ ràng từng nhịp thở của đứa con thân yêu khi được áp dụng phương pháp da kề da, điều mà khi sinh con đầu lòng chị chưa cơ hội được thực hiện.
Cũng như chị Sang, trước khi sinh con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Thêm, 23 tuổi, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn đã tìm hiểu phương pháp da kề da qua các trang báo, mạng xã hội. Hiểu được những lợi ích mà phương pháp này mang lại nên ngay từ khi khám thai ở Bệnh viện đa khoa Khu vực Nghi Sơn, chị đã tham khảo bác sĩ và đề nghị được áp dụng phương pháp này khi sinh con. "Con vừa chào đời, bác sĩ cho con áp lên người mình, cảm giác hạnh phúc vô cùng. Khi ấy, hơi ấm của con với mẹ gần nhau hơn. Tôi đã bật khóc vào khoảnh khắc ấy", chị Thêm tâm sự.
Vì sao sau khi sinh nên cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay?
"Cái ôm đầu tiên" hay tiếp xúc da kề da là đặt bé không mặc quần áo nằm trên ngực hoặc bụng trần của mẹ. Mặt, ngực, bụng và chân của bé được áp sát người mẹ, không có khoảng cách, cho đầu bé nghiêng một bên áp sát vào lòng mẹ. Biện pháp này cần thực hiện liên tục trong vòng ít nhất 1h ngay sau sinh và lặp đi lặp lại càng nhiều càng tốt trong thời gian những tuần đầu sau sinh. Trẻ cũng có thể được da kề da với bố sau khi đã được kề da lần đầu tiên với mẹ. Đối với sinh mổ, tiếp xúc da kề da cũng cần được thực hiện khi mẹ mẹ tỉnh táo, ổn định sức khỏe.
Tầm quan trọng của tiếp xúc da kề da tại các thời điểm khác nhau. Da kề da nên được thực hiện thường xuyên, chứ không phải chỉ ngay sau sinh. Cụ thể da kề da ở từng thời điểm mang đến những hiệu quả thiết thực:
- 0-90 phút sau khi sinh: Quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ.
- 0-6 giờ sau khi sinh: Giúp ổn định nhịp thở và nhịp tim trong giai đoạn phục hồi.
- 6-24 giờ sau khi sinh: Giúp bé hình thành lịch bú mẹ và chu kỳ ngủ ổn định.
- 12h - 8 tuần sau sinh: Củng cố sự gắn bó mẹ con.
Tiếp xúc da kề da là một cách tuyệt vời nhất để mẹ con hòa nhập, truyền cho nhau tình yêu thương, sẵn sàng một quá trình nuôi nấng, chăm sóc con của mẹ bắt đầu, kết nối tình mẫu tử, phụ tử và mang đến rất nhiều lợi ích lớn lao từ cái chạm da kề da giữa cha mẹ và trẻ. Trẻ được giữ ấm, ổn định nhịp tim, nhịp thở và đường huyết, ít quấy khóc hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển não bộ bé, kích thích hệ tiêu hóa, giúp con tăng cân đều, cùng với đó là tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Da kề da cũng giúp trẻ được bú sớm, sữa mẹ sẽ về sớm và nhiều hơn.
Là người trực tiếp cùng đội ngũ cán bộ trong khoa đi học, tiếp thu và triển khai kĩ thuật da kề da, BSCKI Hoàng Thanh Sơn, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, đã không còn lo âu khi số ca biến chứng sơ sinh xảy ra ở bệnh viện giảm hẳn. "Theo bộ tiêu chí của da kề da, bé được rất nhiều lợi ích cho nên mình thấy được rằng sau khi áp dụng phương pháp này, tỉ lệ tai biến sơ sinh của bé sau sinh tại bệnh viện đã cải thiện rất nhiều. Trước kia một năm có thể gặp 5-7 ca, tai biến sơ sinh về hô hấp có thể lên đến tầm 10 ca, nhưng hiện nay đã giảm đi rất nhiều", bác sĩ Sơn cho biết.
Được triển khai tại Việt Nam từ tháng 7/2014, đến nay, phương pháp da kề da sau sinh hay còn gọi là "cái ôm đầu tiên" đã áp dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện. Da kề da ngay sau sinh cũng như các bước chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và sau sinh được đánh giá là rất quan trọng và nhận được phản hồi tích cực từ các sản phụ.
Thay vì tách mẹ và con ngay sau sinh, thì phương pháp này là cách đầu tiên để gắn kết tình cảm cha mẹ với con, mang đến cho con cảm giác an toàn khi được che chở. Đây là một phương pháp không quá khó, nếu được đầu tư áp dụng phổ biến hơn ở tuyến y tế cơ sở sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm tỉ lệ tử vong và tai biến ở trẻ sơ sinh tại nước ta.