pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổ lỗi cho con gái khi biết con bị bạn nam châm chọc
Không ít người bố, người mẹ ứng xử như anh Dũng, chỉ biết đổ lỗi cho con khi con có chuyện gì xảy ra. Ảnh minh hoạ
Anh Dũng và vợ chia tay nhau. Cô con gái ở với bố. Thế nhưng, khi có chuyện gì, cô con gái cũng gọi điện tâm sự với mẹ. Bởi quan niệm dạy con của anh Dũng khá nghiêm khắc và cổ hủ.
Cách đây không lâu, trong giờ nghỉ trưa, chị Minh Anh, vợ cũ của anh Dũng, bỗng nhận được tin nhắn từ con gái: "Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm". Ban đầu, nhận được tin nhắn như vậy, chị Minh Anh thấy quen thuộc. Cô con gái vốn tình cảm nên hay nói những lời yêu thương với mẹ như vậy. Chị Minh Anh vui vẻ trả lời rằng rất nhớ và yêu con. Thế nhưng, trong 10 tin nhắn tiếp theo, cô con gái vẫn chỉ gửi đến mẹ duy nhất câu: "Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm". Chị Minh Anh cảm thấy có sự bất thường. Chị vô cùng lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra với con. Con đang ở lứa tuổi nhạy cảm, sự bất thường thực sự là điều rất đáng lo ngại. Khi gạn hỏi con, chị chỉ nhận được câu trả lời là con không có vấn đề gì.
Ngay sau đó, chị nhận được cuộc gọi từ một phụ huynh trong lớp, nói rằng con gái chị đã khóc và bỏ một tiết học. Cô con gái vốn ngoan ngoãn, chưa bao giờ dám vi phạm nội quy của lớp, của trường, vậy mà con bỏ tiết học thì chắc chắn là có chuyện lớn rồi. Chị Minh Anh liền gọi điện cho con để hỏi chuyện. Nghe con gái thổn thức khóc, lòng chị đau như cắt. Chẳng là, con bị một nhóm bạn nam trong lớp quây vào gọi con là "con phò". Chúng quấy nhiễu con mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần nhìn thấy mặt con là chúng gọi con bằng những từ lỗ mãng ấy. Chúng khiến con không dám bước chân ra khỏi bàn. Chúng khiến con cảm thấy vô cùng xấu hổ và sợ hãi, không dám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè. Thậm chí, trong một tiết học, chúng còn gọi con như vậy trước mặt cô giáo. Chúng "tấn công" con nhiều đến mức con không thể chịu đựng được. Con đã khóc và bỏ học vì cảm xúc của con vô cùng nặng nề. Bạn bè xung quanh không ai bảo vệ con.
Chị Minh An rùng mình khi thấy con phải chịu sự bạo hành tinh thần từ một nhóm bạn như vậy. Cũng may, chuyện của con được phát hiện sớm chứ nếu để lâu, chị không biết con sẽ xoay xở thế nào. Nếu không được "gỡ" kịp thời, đứa trẻ sẽ rơi vào lo lắng kéo dài dẫn đến stress, trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm lý trầm trọng.
Chị Minh An gọi điện ngay cho chồng cũ để thông tin về tình hình của con, để anh quan tâm, để ý đến con hơn. Vậy mà, khi biết con bị các bạn trai gọi là "con phò", anh liền đổ lỗi cho con. Anh nói rằng, chắc con phải như thế nào mới khiến các bạn gọi vậy. Con là đứa điệu đà, quan tâm đến hình thức, thỉnh thoảng còn đánh son đi học, vì thế các bạn nam gọi vậy cũng "chẳng oan".
Nghe chồng cũ nói vậy, chị Minh An thực sự thất vọng. Ở thời điểm khó khăn này, con cần có bố hoặc mẹ ở bên hỏi han, vỗ về. Vậy mà, với sự đổ lỗi của bố, có thể nói, cô con gái phải chịu thêm nỗi đau tinh thần.
Không ít người bố, người mẹ ứng xử như anh Dũng, chỉ biết đổ lỗi cho con khi con có chuyện gì xảy ra. Con bị đánh, không cần tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ đổ lỗi cho con: "Mày phải như thế nào thì mới bị chúng nó đánh!". Thậm chí, có trường hợp con bị xâm hại tình dục, nhiều bố mẹ vẫn đổ lỗi tại con thế này, thế kia... Thói quen đổ lỗi này khiến đứa trẻ mặc định là mình sai, mình có lỗi. Khi có chuyện gì xảy ra chúng không dám kể, dám chia sẻ cho người lớn. Hậu quả là trẻ phải gánh những tổn thương, ảnh hưởng tâm lý đến suốt đời.