Đổ tiếng ác cho đậu nành

20/04/2016 - 16:50
“Đừng mang miếng cơm manh áo của người dân ra đùa cợt, tội chúng tôi lắm”, một hộ dân làm đậu phụ ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã thốt lên đầy thương cảm trước thông tin đậu nành (đậu tương) có chất gây ung thư.

Nơi làm đậu phụ hoang mang

Xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được xem là “thủ phủ” của nghề đậu phụ ở miền Bắc. Làng nghề đậu phụ nơi đây đã có lịch sử hàng trăm năm nay.

Cả xã Hồng Hà, thôn nào cũng làm đậu phụ nhưng Bá Nội là thôn sản xuất quy mô lớn và tập trung nhất, tiếp theo là các thôn Bồng Lai, Bá Thị. Toàn xã có 700 hộ dân làm nghề sản xuất đậu phụ. Nghề làm đậu phụ phát triển, kéo theo “nghề phụ” chăn nuôi lợn ở xã này cũng phát triển rất tốt. Hiện đàn lợn của toàn xã lên đến hàng nghìn con.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã Hồng Hà, nhà chị Phạm Thị Thư, thôn Bá Nội đã làm nghề đậu phụ cả trăm năm nay. Mới 45 tuổi nhưng chị Thư đã có hơn 30 năm làm nghề. “Từ khi lên 9, 10 tuổi, tôi đã phụ giúp ông bà, bố mẹ làm đậu phụ. Cụ nhà tôi năm nay 90 tuổi vẫn làm đậu phụ cùng các con cháu. Cha truyền con nối, gia đình tôi nhiều đời gắn bó với nghề này”, chị Thư chia sẻ.

Trước thông tin đậu tương gây ung thư, chị Thư vô cùng bức xúc: “Hàng trăm năm nay, chúng tôi làm nghề đậu phụ, ăn đậu phụ. Nếu trong hạt đậu nành có chất gây ung thư thì làng này ung thư hết cả rồi”, chị Thư bức xúc.

lam-dau.jpg
Chị Thư rất bức xúc với trước thông tin thất thiệt

Cơ sở sản xuất đậu phụ của gia đình chị Thư một ngày sản xuất khoảng 6.000 bìa đậu (tương đương 2 tạ đậu tương) cung cấp cho các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và nhiều nhà hàng, quán bia lớn ngoài Thủ đô. Thời điểm cận Tết, gia đình chị Thư phải thuê tới 20 lao động để kịp sản xuất theo các đơn đặt hàng.

Gia đình ông Nguyễn Công Sơn (trưởng cụm 5, xã Hồng Hà) cũng lấy nghề đậu phụ làm nghề chính. Không trực tiếp sản xuất từ hai năm nay, vợ chồng ông Sơn mua lại đậu của các cơ sở sản xuất trong làng, mang đi Hà Nội đổ mối, một ngày tiêu thụ vài ba ngàn bìa đậu.

“Đừng mang miếng cơm manh áo của người dân ra đùa cợt, tội chúng tôi lắm. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ chúng tôi nghe thông tin này cả. Đậu tương rất tốt, thế nên ông bà tổ tiên mới dùng nó trong đời sống thường ngày”, ông Sơn chia sẻ.

Trước thông tin gây sốc, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, ông Nguyễn Đình Đà, lo lắng: “Thông tin như thế sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Nếu chúng ta không kiểm soát nó ngay từ đầu, miếng cơm manh áo của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ban ngành tuyên truyền để bà con yên tâm sản xuất”.

Nơi trồng đậu tương dao động

Xã Hồng Hà làm đậu phụ, các xã lân cận bên cạnh như Vân Nam, Vân Phúc, Hát Môn, Vân Cốc… thuộc huyện Phúc Thọ lại là nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu.

img_1514.JPG
Người dân trồng đậu tương tỏ ra lo lắng trước thông tin từ mạng xã hội.

Ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), cho biết: Diện tích trồng đậu tương của toàn xã đạt 100ha. Một sào đậu tương cho năng suất từ 80-100kg đậu hạt. Giá bán dao động từ 14-15 ngàn đồng/kg, riêng vụ xen canh thời gian khoảng 2 tháng, các hộ dân có thêm thu nhập từ 1,4 – 1,5 triệu đồng/sào. Đó là một nguồn thu rất quan trọng”.

Chủ tịch xã Vân Hà, ông Hoàng Thế Tài cũng khẳng định: “Hạt đậu tương có chứa chất gây ung thư là thông tin thất thiệt. Các cơ quan chức năng, các chuyên gia cần lên tiếng để người nông dân yên tâm sản xuất, không nên nao núng, hoang mang vì thông tin không đúng sự thật này”.

Tỉnh Nam Định cũng là một trong những địa phương trồng đậu tương lớn ở miền Bắc. Diện tích trồng đậu tương của địa phương này là 1.525ha tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên. Với đặc thù là cây ngắn ngày, đậu tương là cây chủ lực trong kế hoạch xen canh gối vụ trong cơ cấu cây hoa màu của Nam Định.

Trước thông tin đậu tương có chất gây ung thư, những người trồng đậu ở Nam Định cũng tỏ ra khá hoang mang. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nam Định khẳng định, các ban ngành sẽ vào cuộc tuyên truyền đề người dân yên tâm sản xuất, không bị dao động vì những tin đồn thất thiệt.

 Không có cớ gì không sử dụng

Ths.BS Nguyễn Lê, chuyên ngành ung bướu, Bệnh viện Quân y 103 khẳng định đây là thông tin không có cơ sở. Thông tin cho rằng đậu nành cùng các chế phẩm đậu nành có khả năng gây ung thư do chứa isoflavine - phytoestrogen (estrogen sinh học) gây ung thư. Phytoestrogen trong đậu nành còn phá vỡ chức năng nội tiết và có khả năng gây vô sinh ở cả nam và nữ… là vô căn cứ. Các nghiên cứu chính thống chưa bao giờ đề cập điều này, bệnh nhân ung thư cũng chưa bao giờ được khuyến cáo hạn chế ăn đậu nành. Đậu nành rất lành, tốt cho cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng khẳng định: Thông tin về trường hợp ung thư vú do sử dụng đậu nành có thể gọi là kiểu thông tin trên mạng rất thất thiệt, không có cơ sở và cũng không có bằng chứng khoa học nào để tin tưởng.

Cho đến nay, chưa có bất cứ bằng chứng nào khẳng định đậu nành có thể gây ung thư. Đừng dựa vào một vài thông tin mang tính “tào lao” trên mạng mà đổ tội oan cho đậu nành. Đậu nành là một nguồn dinh dưỡng rất quan trọng và tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện các nhà khoa học cũng chưa thể giải mã hết cơ chế gây ra ung thư. Chỉ biết rằng những chất có cấu trúc lạ khi đi vào cơ thể thì gây ra ung thư. Bản thân ung thư không phải là một chất độc mà chỉ là sự phát triển vô tội vạ của các tế bào trong cơ thể, các tế bào này bòn rút chất dinh dưỡng để nuôi chính nó. Sự phát triển nhanh này tạo thành các u, ăn hết chất của các bộ phận khác mới dẫn đến tử vong.

“Trước thông tin đậu nành gây ung thư, người tiêu dùng nên bình tĩnh và cứ yên tâm sử dụng các sản phẩm từ đậu nành. Cả thế giới coi đó là một thực phẩm nhiều dưỡng chất, không chỉ cho người mà còn cho cả động vật, thì không có cớ gì không sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm